Theo nội dung và kết quả Hội nghị "Người sử dụng lao động 2017 - Đối thoại với DN về thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội” tổ chức tại Hà Nội ngày 21/12/2017; phúc công văn số 3434/PTM-VPGC ngày 25/12/2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) v/v báo cáo các bất cập của pháp luật lao động hiện hành và những điểm cần ưu tiên sửa đổi trong thời gian sớm nhất, Hiệp hội VASEP xin có một số ý kiến như sau:
1. Xin được giải quyết sớm ngay từ Quý 1/2018 một số các bất cập - vướng mắc đã được các Hiệp hội và cộng đồng DN kiến nghị trong 2 nãm qua, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và đã được Bộ LĐTBXH xem xét-đánh giá, bằng các Nghị quyết hoặc Nghị định của Chính phủ (danh mục các bất cập theo Phụ lục kèm theo Công văn).
2. Bộ Luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số bất cập không tạo thuận lợi cho DN và người lao động trong bối cảnh hiện nay, mà cộng đồng DN đang đánh giá là điểm mấu chốt khiến sức cạnh tranh của DN giảm đi. Dự thảo sửa đổi một số điều của Bộ Luật này cũng đã được lấy ý kiến của các cơ quan bộ ngành, DN và người dân trong 2 nãm 2016-2017. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 35/2016 và các NQ19 trong 3 năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của DN thì việc nhận diện và đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Bộ luật lao động sẽ rất có ý nghĩa cho mục tiêu của các Nghị quyết này. Do vậy, việc tiếp tục kéo dài một nội dung lớn và quan trọng thêm 2 nãm nữa, tới 2019, là không tương xứng với mức độ quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng đến các nỗ lực của cả xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh.
3. Chi phí lao động ngày một tăng cao trong khi năng suất lao động tăng rất ít. Do đó trong giai đoạn quá độ như hiện nay, cần có các chính sách về thu BHXH một cách hài hòa, tăng thu nhập thực tế cho người lao động, tránh mâu thuẫn giữa DN và người lao động, đồng thời gia tăng giải quyết được nhiều việc làm hơn. Các báo cáo chuyên môn cũng đã chỉ rõ, mức đóng BHXH hiện tại của Việt Nam đang cao nhất trong khu vực ASEAN, khi lên tới 32% tổng thu nhập tiền lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn (DN đóng kinh phí CĐ 2% quỹ lương, người lao động đóng 1%). Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ phải đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%, còn Thái Lan 5%....
Trên cơ sở đó và nhằm tạo thêm sức cạnh tranh cho cộng đồng DN, Hiệp hội kính đề nghị Bộ LĐTBXH và VCCI xem xét phương án giảm 4% tỷ lệ đóng BHXH (trở về mức đóng BHXH năm 2010) và giảm 1% kinh phí công đoàn.
Hiệp hội kính đề nghị Quý Cơ quan xem xét hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn nhằm giúp tạo điều kiện để các DN yên tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Đỗ Hương