Theo Bộ NN&PTNT, Luật Thuỷ sản 2017 có nhiều điểm mới so với Luật Thuỷ sản 2003. Với 9 chương, 105 Điều, Luật Thuỷ sản 2017 được đánh giá là có nhiều thay đổi, giảm 1 chương (9/10) và tăng 43 Điều so với Luật thuỷ sản 2003.
Cụ thể, những điểm mới được đưa vào Luật lần này gồm: Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10). Theo đó, người dân, Hội, Hiệp hội…tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.
Luật Thuỷ sản 2017 cũng có nhiều điểm mới trong quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22).
Về nuôi trồng thủy sản, được quy định tại Chương III, từ Điều 23 đến Điều 47. Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản
Đặc biệt, Luật Thuỷ sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC)
Sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 như sau: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.
Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn.
Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế.