Theo đó, nhằm tiết giảm chi phí tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi nhanh hoạt động sản xuất; quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, người dân; Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:
- Trong tháng 7/2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, trong đó xác định rõ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa, nâng cao chất lượng quy định, thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực cụ thể.
- Trong tháng 8/2023, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ theo hướng gọn nhẹ, thực chất, hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, định kỳ hoặc đột xuất tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về cải cách thủ tục hành chính, nhận diện khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy triển khai.
Tháo gỡ vướng mắc cho DN trong việc tuân thủ các quy định về PCCC
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương rà soát, hoàn thành sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2023.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2023 về việc sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, theo thẩm quyền sửa đổi Thông tư số 06/2022/TT-BCA ngày 17/01/2022 của Bộ Công an, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan giảm tối đa các hoạt động thanh tra chưa cần thiết theo quy định; giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác.
Sửa đổi các quy định còn bất cập về tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản.
Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi các quy định còn bất cập về tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản trong tháng 7/2023.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu; kịp thời thông tin, cảnh báo, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của nước đối tác xuất khẩu
Cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:
- Triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đã được Quốc hội thông qua, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2023 về tình hình thực hiện chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng và nghiên cứu, đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách nếu cần thiết.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.
Nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1%
Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan:
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay; khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp, thuận lợi hơn một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
- Đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng rà soát, cắt, giảm thủ tục hành chính, các loại phí dịch vụ ngân hàng nhất là liên quan đến hoạt động xuất khẩu theo hướng tiết giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cương quyết cắt giảm các loại phí không cần thiết để hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023; nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT ngày 16/1/2023, Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/1/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.