Nghị quyết số 66/NQ-CP: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

66/NQ-CP
09/05/2024
09/05/2024
Chính phủ
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9/5/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Mục đích của Chương trình là thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Căn cứ theo Mục III Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2024, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp cần thực hiện 07 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước;

Hai là hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, cống hiến;

Ba là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới;

Bốn là xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;

Năm là tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức;

Sáu là phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp;

Bảy là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.

Căn cứ theo Mục III Nghị quyết 66/NQ-CP năm 2024, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền các nhiệm vụ được quy định tại các văn bản sau đây:

Nghị quyết 99/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Nghị quyết 76/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nghị quyết 45/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 58/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.

Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.