Quan điểm là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Theo đó, một trong số các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Bộ Tài chính: Khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Công Thương: Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; cho phép các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng quy định tại Điều 89 và điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng để sửa chữa, xây dựng lại công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai để doanh nghiệp sớm quay lại hoạt động.
Bộ Ngoại giao tiếp tục huy động nguồn lực của các đối tác quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ các địa phương, người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.