Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra.
Theo đó, Quy chế có quy định về nội dung quản lý vùng và cơ sở nuôi cá tra để đảm bảo phát triển bền vững nghề nuôi cá tra.
I. Điều kiện nuôi cá tra:
1. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi cá tra phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi cá tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Cơ sở nuôi cá tra phải sử dụng con giống đạt yêu cầu chất lượng theo quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 170 : 2001. Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra chất lượng.
3. Cơ sở nuôi cá tra phải sử dụng thức ăn công nghiệp theo quy định tại Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 188 : 2004 hoặc thức ăn tự chế đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh theo quy định của Tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 176 : 2002.
4. Nước thải từ ao nuôi cá tra phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng nước thải theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6774 : 2000 và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5942 - 1995.
5. Chất thải rắn phải được thu gom, xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y. Khuyến khích xử lý và tái sử dụng chất thải rắn trong nuôi cá tra để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
6. Không sử dụng hoá chất và các chế phẩm sinh học ngoài danh mục được phép sử dụng để xử lý môi trường.
7. Chủ cơ sở nuôi cá tra phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết đó.
II. Phòng ngừa dịch bệnh trong vùng và cơ sở nuôi cá tra:
1. Việc phòng ngừa dịch bệnh cho cá nuôi được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
2. Không sử dụng các loại thuốc và hóa chất trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản để phòng, trị bệnh cá.
III. Khuyến khích nuôi cá tra an toàn:
1. Khuyến khích xây dựng cơ sở nuôi cá tra theo công nghệ nuôi và mô hình quản lý tiên tiến, phù hợp với điều kiện của địa phương và đảm bảo phát triển nuôi bền vững (như GAP, BMP, CoC hoặc các tiêu chuẩn khác).
2. Chủ cơ sở nuôi cá tra an toàn có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản cấp tỉnh ghi tên cơ sở của mình vào Danh sách cơ sở nuôi cá tra an toàn.
b) Quảng bá cơ sở nuôi cá tra an toàn của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung Quyết định xem file đính kèm.
Nội dung chi tiết
]