Mục tiêu đặt ra là xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
Ủy ban nhân dân các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tạo ra các vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh trên tôm, các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn về dịch bệnh.
Theo kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thành công và được chứng nhận là các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định của Thông tư 14 và của OIE; phấn đấu trong năm 2017, có ít nhất 1 doanh nghiệp là cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.
Để thực hiện Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo kiểm soát chất lượng con giống tại các vùng sản xuất giống tập trung. Chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm tránh lạm dụng và tồn dư nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến người nuôi để thực hiện.