Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi” và áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; các cơ sở nuôi thuỷ sản; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý môi trường dùng trong nuôi thủy sản; các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thuỷ sản nuôi (gọi tắt là cơ sở).
Như vậy, vào quý 4 hàng năm hoặc khi kết thúc vụ nuôi cuối cùng trong năm, Cơ quan giám sát sẽ phải xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm bằng việc chủ trì tổ chức điều tra, thu thập thông tin, khảo sát, xác định vùng nuôi, đối tượng cần giám sát và xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Cơ quan kiểm tra và báo cáo tới Cơ quan kiểm tra trước ngày 31/12 hàng năm…
Trong quá trình triển khai nếu phát hiện trường hợp dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép trong thủy sản nuôi tại công đoạn sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thời điểm đang nuôi, thời điểm chuẩn bị hoặc đang thu hoạch, đã thu hoạch, tại cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản nuôi… Cơ quan có thẩm quyền sẽ có các biện pháp xử lý tùy theo tính chất và mức độ của hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Do vậy, đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thuỷ sản nuôi phải có trách nhiệm:
1. Thường xuyên cập nhật kết quả giám sát từ Cơ quan kiểm tra, cơ quan giám sát và các cơ quan liên quan.
2. Không thu mua sản phẩm thủy sản nuôi được thu hoạch từ vùng/cơ sở nuôi đang bị đình chỉ thu hoạch hoặc không rõ xuất xứ nguồn gốc; lập và lưu trữ đầy đủ các tờ khai xuất xứ của từng lô sản phẩm thuỷ sản nuôi.
3. Chấp hành việc thu mẫu và các biện pháp giám sát, khắc phục của Cơ quan kiểm tra/Cơ quan giám sát khi kết quả phân tích mẫu vượt giới hạn tối đa cho phép.
4. Cung cấp cho Cơ quan kiểm tra/Cơ quan giám sát về kết quả tự kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thuỷ sản nuôi của cơ sở và thông tin liên quan đến tình hình nuôi thủy sản tại các cơ sở/ khu vực thu mua thủy sản nuôi (nếu có) khi được yêu cầu.
5. Được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến về kiến thức an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản do Cơ quan chức năng tổ chức.
6. Được cung cấp kết quả phân tích của các mẫu thu tại cơ sở của mình khi có yêu cầu.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 15/2002/QĐ-BTS ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi.
Nội dung Quyết định vui lòng xem file đính kèm.
Quyết định 130/2008/QĐ-BNN