Nội dung chính như sau:
Chỉ thị đã nêu rõ nội dung quy định tại Điều 6 của Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (sau đây gọi là Nghị định 79/2007/NĐ-CP): “1. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đổi chiếu. 2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính"
Tuy nhiên, trên thực tế các quy định trên không được thực hiện nghiêm, vẫn có tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản; khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn có tình trạng yêu cầu người dân, tổ chức xuất trình bản chính khi họ nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính.
Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ quán triệt nội dung Chỉ thị này tới tất cả các đơn vị, tổ chức trực thuộc:
1. Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu sau trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính:
a. Quy định rõ trong văn bản nội dung Điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ- CP về việc cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính có quyền lựa chọn các hình thức nộp các loại bản sao; trường hợp nộp bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính thì cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính không được yêu cầu xuất trình bản chính đế đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu, người tiếp nhận hồ sơ phải tự đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính; trong một số trường hợp có thể nộp bản sao không có chứng thực (bản sao chụp) mà không cần xuất trình bản chính để đối chiếu;
b. Chỉ qui định trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính những loại giấy tờ cần thiết, có liên quan trực tiếp đến nội dung giải quyết thủ tục hành chính. Không qui định các loại hồ sơ là kết quả công việc của chính cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; áp dụng những hình thức giảm nhẹ đối với yêu cầu chứng thực một số văn bản, giấy tờ như sử dụng bảng kê danh mục hồ sơ, chấp nhận bản tự sao của tổ chức, vv...đồng thời với việc thực hiện biện pháp hậu kiểm.
2. Thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời việc công bố, công khai thủ tục hành chính tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, tại các địa điểm giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
3. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo thẩm quyền, nhất là tại các nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.
Nghiêm túc triển khai việc tiếp nhận, xử lý ý kiến người dân, tổ chức về các quy định, thủ tục hành chính; thiết lập và công khai đường dây nóng.
Kiên quyết xử lý các tổ chức trực thuộc, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về nội dung thủ tục hành chính, tự đặt ra thủ tục hành chính, gây sách nhiễu phiền hà cho người dân, tổ chức.
4. Triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức như quy định tại nội dung phần 1 trên đây.
Như vậy việc thực hiện tốt những quy định tại chỉ thị 5591/CT-BNN-PC ngày 15/7/2014 của Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ giúp giải quyết tình trạng lạm dụng yêu cầu những thành phần hồ sơ không liên quan trực tiếp đến nội dung giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế gây phiền hà, tốn kém cho người dân, tổ chức, lãng phí cho xã hội và tránh tạo nên áp lực, quá tải cho các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là các cơ quan có thẩm quyền chứng thực.