HỘI NGHỊ TOÀN THỂ HỘI VIÊN
HIỆP HỘI CB & XK THỦY SẢN VIỆT NAM 2012
Ngày 12/6/2012- Lotus Ballroom - KS. REX – 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp.HCM
Ý kiến phát biểu tại Hội nghị: (ghi chép và tổng hợp bởi Mrs. Lê Hằng - PGĐ VASEP.PRO, email: lehang@vasep.com.vn)
1. Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải: Doanh số 6,5 tỷ USD hay sự phát triển bền vững quan trọng hơn?
DN thuỷ sản hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vốn và thị trường, tính cạnh tranh giảm; 20% DN có nguy cơ ngừng hoạt động. Những khó khăn này xuất hiện nhiều, từ lâu, tuỳ từng giai đoạn mà khó khăn nào nổi trội hơn. Bằng những giải pháp tình thế, DN của ta vẫn vượt qua những khó khăn. Tuy nhiên, với những khó khăn và nhiều bất cập chưa hề được giải quyết, nếu DN và VASEP không nêu hết thực trạng và không đồng thuận thì sẽ khó có thể phát triển bền vững.
Ngành tôm và cá tra Việt Nam phát triển thần kỳ nhiều năm qua, nhưng phát triển bền vững đang là vấn đề của ngành. Đầu năm 2012, các ngân hàng bắt đầu xem xét tính hiệu quả của ngành và nhiều người bắt đầu thất vọng về vấn đề tồn tại của ngành thuỷ sản.
Thời gian qua có nhiều DN đầu tư ngoài ngành: địa ốc, tài chính… dẫn đến khó khăn về vốn. Nhiều DN đầu tư quá đà (vào trang thiết bị…) làm cho áp lực tài chính lúc khó khăn càng đổ dồn lên. Nhiều DN đôi lúc không quan tâm đến quản trị DN, tập trung nhiều đến khâu bán hàng, dẫn đến một số gặp khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN phát triển tốt vì tập trung đúng và hiệu quả vào ngành. Top 20 DN tôm chiếm 67% giá trị XK tôm, top 20 DN cá tra chiếm 66% doanh số, cơ bản ổn định, mặc dù cũng có sự đổi ngôi. Những DN phát triển bền vững thường sản xuất nhiều mặt hàng bán nhiều thị trường. Những DN chỉ tập trung ít thị trường và sản phẩm thì khó khăn nhiều hơn. Dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn,nên khi có vấn đề rút vốn thì có sự đổ vỡ.
Vấn đề là mặc dù hiện nay trong DN có những trường hợp đổ vỡ, khó khăn, nhưng có DN phát triển tốt. Vậy cần phải trao đổi và xem xét để đánh giá đúng hiện trạng, để xác định: doanh số 6,5 tỷ USD quan trọng hay sự phát triển bên vững quan trọng hơn?
2. PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch VASEP: DN và Ngân hàng cần có mối quan hệ tốt hơn
Chúng ta đã trải qua một thời kỳ phát triển hoành tráng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng thời kỳ đó không thể kéo dài mãi. Việc phát triển về lượng theo chiều rộng với tốc độ nhanh sẽ dẫn đến hậu quả liên quan đến vấn đề về chất theo chiều sâu. Khi điều kiện bên ngoài thay đổi sẽ làm chúng ta lao đao. Vấn đề là đánh giá lại mình là quan trọng nhất cùng với việc đánh giá bối cảnh, đánh giá chính sách có sự liên quan của nhà nước.
Trên thế giới vấn đề tái cấu trúc đối với các DN là việc làm thường xuyên theo chu kỳ 7- 9 năm/lần, các DN hàng đầu thế giới đều tiến hành tái cấu trúc.
Thực tế ở Việt Nam 4 năm gần đây, quá trình tái cấu trúc đã và đang thể hiện rõ. Hiện số DN chế biến có vùng nuôi tăng từng ngày: số DN cá tra tự nuôi để cung ứng trên ½ sản lượng, DN tôm có vài trăm ha – vài nghìn ha nuôi đang tăng lên; DN hải sản đầu tư vào các đội tàu cũng nhiều hơn… Một số DN như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương đã đầu tư từ con giống, thức ăn, chế biến, hàng GTGT, tổ chức thị trường…
Tuy nhiên, trong quá trình này, đôi khi ngoài những thành công, cũng gặp những bất cập, khi mà DN dùng vốn ngắn hạn đầu tư vào trung hạn, khi ngân hàng rút vốn sẽ gặp khó khăn.
Có 3 vấn đề nên chú ý gì khi tái cấu trúc:
(1) Vấn đề sản phẩm: 99,1% cá tra xuất khẩu là phile đông lạnh, 32,6% tôm là GTGT giúp cho ngành tôm dù khó khăn vẫn có bước đi vững chãi hơn về lĩnh vực chế biến. Nên nhìn rộng hơn toàn bộ chuỗi giá trị để đầu tư. Kinh nghiệm của Na Uy cho thấy, những DN hàng đầu của Na Uy về cá hồi đều có từ chuỗi sản xuất từ A – Z. Từ 860 công ty cá hồi hiện giờ Na Uy chỉ còn hơn 10 công ty.
(2) Tái cơ cấu Hiệp hội: DN thuỷ sản chủ yếu là DN dân doanh, nghĩa là làm cho chính mình và những người cộng tác lên chuỗi giá trị chứ không phải vì thành tích nào. Vì vậy, phải chủ động tìm và chia sẻ quyền lợi với các đối tác, đặc biệt là các ngân hàng. Ngân hàng và DN trong bối cảnh mới cần có mối quan hệ tốt hơn: ngân hàng cần cho vay vốn, DN cần có vốn từ ngân hàng, vì vậy để tái cấu trúc vốn, thì trước hết cần thay đổi quan hệ với ngân hàng từ cả 2 phía. Chính sách của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua là chính sách vì ngân hàng. Nếu chỉ có đi xin vay thì mối quan hệ không thể tốt hơn được.
(3) Thay đổi công cụ và phương thức quản lý: Cách chúng ta vẫn làm hoàn toàn mang tính kinh nghiệm, đội ngũ chủ chốt trong ngành chỉ hoạt động theo kinh nghiệm, đã đến lúc cần hoạt động có kiến thức bài bản hơn và có cơ sở hơn…
Thách thức nhiều nhất chính là thay đổi con người: những người chủ và đội ngũ làm việc trong DN. Đặc biệt, rất cần sự thay đổi về tư duy và cách làm của hệ thống quản lý Nhà nước. Trình độ và tính chuyên nghiệp của các cơ quan quản lý cũng cần được nâng cấp. Vấn đề tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, bộ phận DN là chủ lực nhưng rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, bản thân VASEP cũng cần dần dần thay đổi.
3. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Danh dự VASEP: Số DN XK giảm không phải là đáng lo ngạ
Mặc dù khó khăn nhưng thực tế DN thuỷ sản vẫn đang hoạt động, chứ không phải phá sản, DN vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, hiện đang sắp xếp tổ chức để đáp ứng thích nghi. Hiện tượng số DN XK giảm chỉ là quy luật, số DN gom lại không phải là đáng buồn, thậm chí coi đó là niềm vui, vì đó là xu thế tốt. Nhìn tổng thể không phải là đáng lo ngại.
Về hoạt động của VASEP, có thể thấy hiện mới chỉ hỗ trợ cho DN khi khó khăn, có sự cố, chứ chưa có chương trình phát triển lâu dài và bền vững. Ví dụ vấn đề tôm tạp chất hàng chục năm nay chưa giải quyết được, đề nghị xây dựng chợ tôm ở ĐBSCL để giải quyết vấn đề tạp chất. VASEP nên có giải pháp dài hạn và căn cơ hơn tạo ra sự phát triển lâu dài và ổn định.
Đối với vấn đề của ngành cá tra, đề nghị các Bộ cùng với VASEP tổ chức lại tổng thể hơn (phối hợp với VINAFIS). Phát triển thị trường phải dựa vào nguồn lực DN là chính, nhưng cần có sự hỗ trợ của nhà nước, có chế tài đối với những trường hợp không thực hiện theo quy chế của Hiệp hội. Ai sẽ đứng ra liên kết để đảm bảo không có DN phá giá vào thị trường Mỹ trong hơn chục DN XK vào Mỹ?. Trong việc này, vai trò của Chính phủ rất quan trọng, để làm sao mỗi khi hội chợ, DN không phải lo ngại về nguy cơ bị hạ giá.
Con cá tra lặp lại chu kỳ của nhiều năm và đang phát triển không bền vững. Có phải đã làm chưa đúng? Dù tích cực nhưng làm chưa đúng thì không giải quyết được vấn đề. Tôi đề nghị tái cấu trúc rộng lớn hơn ở quy mô toàn ngành và các hiệp hội và rất mong các Uỷ ban ghi được dấu ấn mạnh mẽ hơn đối với sự phát triển của ngành.
4. Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt VASEP: Cá tra VN đang bị “chết” trên sân nhà và “chết” do chính sách
Ngành cá tra hiện nay đang một mình một chợ nhưng đang bị “chết” trên sân nhà do giá thấp. Giá thấp từ đâu? Do thắt chặt tín dụng. Chỉ có 20% DN tồn tại và phát triển, 80% còn lại có khó khăn, trong đó có 30% trong tình trạng hấp hối. Lý do, là do sự phát triển nóng từ năm 2008 đến nay, các khoản vốn vay dài hạn và ngắn hạn đều lệ thuộc vào ngân hàng, lãi suất trong thời gian từ Q4/2011 đến nay làm cho DN suy yếu, dẫn đến vấn đề lỗ lãi, thậm chí phá sản.
Những DN đang khó khăn và suy yếu phần lớn đầu tư sai mục đích (dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn). Những DN đầu tư sai hầu như đang găp khó khăn.
Về phía UB cá Nước ngọt tổng hợp, có mấy vấn đề: - Bóp chết XK trong thời gian qua và thậm chí trong thời gian tới: vai trò ngân hàng đóng góp chính. Sau chống lạm phát và tín dụng, ngân hàng thu hồi vốn. Năm 2012 tín dụng cho các nhà máy giảm, các DN gặp khó khăn. Các nhà máy ở ĐBSCL chết vì không tăng được tín dụng
- Tín dụng đẩy các DN bán hàng ra để trả nợ tránh đáo hạn. Nông dân cũng bán nhanh vì bị thắt chặt tín dụng. Giá cá xuống, chúng ta cứ đổ cho suy giảm kinh tế, khó khăn tại Thị trường Châu âu, nhưng thực ra chết vì chính sách tài chính tiền tệ.
Do đó, trong lỗi hệ thống của ngành cá tra còn nhiều bất cập từ khâu quản lý Nhà nước: con giống chưa đầu tư đúng mức. Một số chính sách trong một số ngành nghề chúng ta đang cần từng bước tháo gỡ. Do đó muốn tạo được liên kết giữa nhà chế biến và người nông dân: tại sao vẫn còn mâu thuẫn? Mâu thuẫn do chính sách chứ không phải do 2 đối tượng. Người nông dân không tiếp cận được vốn của Ngân hàng và không được hưởng lãi suất thấp. Chênh lệch 15- 25% giá thành, khó tạo được sự đồng thuận nếu còn có chính sách khác nhau cho DN và nông dân.
Từ 250 DN đến nay còn 100, thiết nghĩ là còn 50 DN sẽ ổn định. Tôi nhất trí với việc cứu trợ và hỗ trợ, nhưng phải đúng. Về phía Uỷ ban Cá Nước ngọt VASEP, các ngân hàng nên phân loại DN theo A, B, C, để có hỗ trợ hợp lý. Trong đó A là những DN có vốn sở hữu vay 2 lần và đầu tư đúng ngành nghề. B là DN có vốn sở hữu gấp 3 – 4 lần, nhưng vay ngắn hạn đầu tư dài hạn. C là DN có tài sản ít nhưng lại muốn vay nhiều, đề nghị chấm dứt cho vay, để DN phá sản.
Cần phải thấy, tình hình hiện nay chính là điều kiện để sắp xếp lại DN. Không thể đổ lỗi DN phá giá, mà do chính sách tiền tệ. Cá tra của chúng ta chết là do chính sách và chết tại sân nhà.
Chính phủ và Bộ NN & PTNT phải tham gia cùng VASEP sắp xếp lại DN để có chủ trương chính sách phát triển bền vững và lâu dài. Năm 2011 chúng ta XK 1,8 tỷ USD, nhưng năm 2012 khó có thể đạt được. Nguyên liệu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian tới, hiện giá cá 21.000 – 22.000 đồng/kg nguyên liệu, rẻ nhưng DN không có tiền mua. Tình trạng nợ đomino dẫn đến rủi ro 50% đối với nông dân nếu họ không chọn đúng đối tượng bán cá.
Muốn giải quyết vấn đề này, đề nghị VASEP mạnh dạn đề xuất cơ cấu lại DN, có kiến nghị thẳng với Bộ NN và PTNT và Nhà nước xem nơi nào cần bơm vốn, nơi nào không cần cứu.
Đối với vấn đề tái cơ cấu, các ngân hàng và hiệp hội cùng tham gia quy hoạch lại các DN XK. Chúng tôi cung cấp số liệu cho các Ngân hàng tham khảo. DN phải có báo cáo Kiểm toán ngân hàng mới đầu tư, đây là phần để kiểm soát DN, từ đó ngành cá tra mới đi vào thực chất.
5. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch UB Hải sản VASEP: Làm thể nào để bán được 3 tỷ USD hải sản trước năm 2015?
Đối với DN hải sản chúng tôi cũng có những khó khăn chung của toàn ngành, ngoài ra chúng tôi còn thêm những khó khăn khác do đặc thù của ngành.
Đối với vấn đề thiếu vốn là khó khăn của các DN vừa và nhỏ. Thiếu nguyên liệu là khó khăn lớn nhất của DN hải sản. Vì thiếu nguyên liệu nên DN hải sản phải NK để gia công XK, nhưng lại gặp khó khăn với thị trường Nhật Bản vì đã qua kiểm tra phóng xạ tại nước XK này rồi, nhưng NK về Việt Nam vẫn bị kiểm tra, tôi đề nghị nên chăng giảm bớt thủ tục này.
Vấn đề ân hạn thuế 275 ngày đối với hàng NK để gia công và SXXK đang có nguy cơ bị xoá bỏ, cũng tác động tiêu cực đến DN hải sản chúng tôi.
Ngoài ra, trong cộng đồng DN hải sản có nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, vì vậy cần từng bước suy nghĩ lại để phát triển ổn định.
Vấn đề phí kiểm nghiệm là một gánh nặng lớn đối với DN hải sản: với DN tôm, hoặc cá tra XK chỉ một vài mặt hàng, nhưng DN hải sản vốn vừa và nhỏ, một côngtenơ nhiều mặt hàng, nên có côngtenơ phí kiểm nghiệm lên tới trên 10 triệu đồng, đây là một bất cập với DN vừa và nhỏ. Ví dụ với việc kiểm tra histamin, mỗi côngtenơ đã mất 9 triệu đồng.
Cước phí vận tải tàu tăng cũng làm giảm sức cạnh tranh của DN hải sản, vì vậy đề nghị Hiệp hội đàm phán với hãng tàu để cước tàu bằng với các nước khác.
Chi phí SX tăng, lợi nhuận sẽ giảm. Các DN khó khăn về vốn sẽ bán nhanh. Khó khăn lớn nhất không phải nội tại mà là thị trường: Chính phủ không có chính sách khi khó khăn về thị trường, khiến DN lúng túng. Khách hàng EU tìm cách trả hàng hoặc trừ tiền, nếu DN không đền sẽ mất khách hàng.
Đề nghị Nhà nước nên có chính sách cụ thể để DN có thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn này. Phấn đấu vì doanh số nhưng phải có hiệu quả và có sự phát triển bền vững. Để đạt 3 tỷ USD XK hải sản trước năm 2015 mấu chốt là vấn đề nguyên liệu. Nhưng khó khăn là tàu thuyền nhỏ lẻ, kỹ thuật đánh bắt thấp, sản phẩm không có giá trị. Để có đội tàu đánh bắt hiện đại, nâng cấp các cơ sở nậu vựa thành các cơ sở hậu cần, các Cảng cá nâng tầm đúng mức, cần sự hỗ trợ của ngân hàng.
Về vấn đề gia công: Hiệp hội cùng với VCCI và nhà nước kiếm khách hàng gia công để tạo việc làm cho công nhân, giúp DN giữ vốn. Muốn phát triển thị trường và thương hiệu phải qua Hiệp hội, vì vậy, phải phát triển Thương hiệu Hiệp hội cùng với việc phát triển hiệu quả và bền vững. Đây là những điêù kiện cần và đủ.
6. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn: Kiến nghị hỗ trợ sản xuất giống cá tra
Về các khó khăn các DN khác đã đề cập nhiều rồi, tôi chỉ xin đưa thêm kiến nghị về sự hỗ trợ của Nhà nước với ngành, đã có gói hỗ trợ ngành cá tra, đề nghị hỗ trợ vào khâu sản xuất giống. Vì giống ảnh hưởng đến chất lượng nguyên liệu. Hoạt động sản xuất giống cần sự hỗ trợ lớn từ cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng để có tài chính tập trung cho con giống. Chứng nhận quốc tế là cơ hội lớn để bán cá tra, tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chính sản phẩm cá tra bán ra của chúng tôi phải ngon hơn, điều này cũng được quyết định không nhỏ từ chất lượng con giống.
7. Ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch VASEP, TGĐ Thuan Phuoc Corp.: Khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam đang mất dần. Chúng ta phải làm gì?
Hiện nay chúng ta đang chào giá tôm trên thế giới thấp hơn giá thật mà không ai mua. Nhiều khách hàng họ trả giá nhưng khi mình đồng ý bán thì họ lại không mua nữa. Trong khi, sau khi ký hợp đồng phải thu mua khó khăn thậm chí phải nâng giá mua, đôi khi giá chào bán chỉ bằng giá nguyên liệu. Giá nguyên liệu quá đắt, trong khi tại đầm, nông dân cũng than phiền giá quá thấp. Vậy nguyên nhân từ đâu? Đây không phải vì chuyện vốn.
Trên thị trường thế giới, tôm Thái Lan, Inđônêxia đang hạ, vì vậy vấn đề của tôm Việt Nam hiện nay là do chi phí sản xuất quá cao tính theo chuỗi của cả ngành nông nghiệp.
Vì chi phí sản xuất quá cao, nên tính cạnh tranh không còn. Ví dụ, về phí vận tải, hiện nay phí vận chuyển 1 côngtenơ từ Đà Nẵng đi Nhật Bản rẻ hơn vào T.p. Hồ Chí Minh.
Về vấn đề nuôi tôm ở Việt Nam: đối với tôm giống hiện chỉ có một vài trại giống đủ tiêu chuẩn và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vùng nuôi chỉ quy hoạch bao nhiêu ha cho một khu vực, nhưng không quy hoạch cụ thể để các đầm nuôi không ảnh hưởng đến nhau. Thức ăn nuôi tôm thì các hãng lớn khống chế với giá cao hơn so với giá thật. Thú y chăn nuôi không có ai lo, khi tôm bệnh, nông dân phải dùng mọi cách thậm chí dùng kháng sinh cấm, hoặc các nước khác cấm. Trong khi ở Thái Lan người ta sẵn sàng cô lập trại nuôi bệnh để đảm bảo an toàn và người nuôi được lĩnh bảo hiểm.
DN thuỷ sản đã tự cứu mình bao năm qua khiến một số người có trách nhiệm cho rằng họ đã hoàn thành trách nhiệm của mình qua con số năm sau cao hơn năm trước, trong khi đang chưa làm tròn trách nhiệm.
Đối với vấn đề đầu tư cho ngành, trong khi Nhà nước trải chiếu hoa mời đầu tư nước ngoài, thì nông dân Việt Nam không được trải chiếu manh để đầu tư nuôi tôm. Có những tiêu chí là hàng rào kỹ thuật mang tính phân biệt đối xử nhưng chưa có biện pháp quan hệ ngoại giao và quan hệ Nhà nước để giải quyết. Ví dụ, đối với ethoxyquin, Nhật Bản chỉ kiểm tra Việt Nam chứ không kiểm tra nước nào khác và với ngưỡng giới hạn quá thấp.
Điều quan trọng nhất của ngành tôm hiện nay là tạo lên sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thế giới: cạnh tranh giá thành, cạnh tranh chất lượng và cạnh tranh uy tín. Chúng tôi, những nhạc công, đang chơi nhạc cụ có hay hay không phải xuất phát từ nhạc trưởng. Bộ NNPTNT và các Cơ quan Nhà nước liên quan cần có sự đầu tư thích hợp cho ngành tôm nếu không sẽ còn khó khăn tiếp diễn.
8. Ông Hồ Quốc Lực – Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP: Một số vấn đề phát triển bền vững tôm Việt Nam
Trong thực tế, còn nhiều vấn đề tồn đọng nhiều kỳ vọng của hội viên và người nuôi, VASEP chưa đáp ứng. Ví dụ tình trạng tạp chất trong tôm vẫn còn sau 15 năm; cá tra một mình một chợ mà vẫn còn những hành vi hại nhau và đưa giá xuống. Có phải vì VASEP quá già, quá nhiều việc? Dù ít nhiều VASEP vẫn phải nỗ lực, hội viên cần mạnh dạn trình bày khó khăn để VASEP đổi mới hơn, đáp ứng tốt hơn mong muốn của hội viên.
Con tôm là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, chiếm 30 – 40% giá trị XK thủy sản. Tình hình tôm nuôi hiện nay chết diện rộng trên cả nước, các cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân là do moi trường nước, vi khuẩn hay môi trường? Đến nay chưa có kết luận chính xác. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và do trình độ quản lý của chúng ta.
Tôm còn nhiễm hóa chất kháng sinh, bị trả về, nhiều nhất từ Nhật Bản. Hai năm qua, các DN XK tôm vào Nhật Bản cực kỳ gian nan vì vấn đề hoá chất, kháng sinh như enrofloxacin và trifluralin, nay lại đến ethoxyquin.
Hiện nay, nguồn cung ứng tôm thế giới đang dồi dào: giá tôm Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam Á đều thấp, trong khi giá tôm Việt Nam quá cao. Các yếu tố đầu vào đều tăng: năng lượng, vật tư, tiền công, chi phí kiểm tra tăng mạnh, các DN phải tăng tần suất kiểm tra từ khâu nguyên liệu đến chế biến. Tỷ giá USD ở thế bất lợi, khiến giá thành tôm Việt Nam rất cao dẫn đến rủi ro tiêu thụ tôm tại Nhật Bản rất cao, nhưng vẫn phải bám thị trường này.
Tôi có 7 kiến nghị:
+ Bộ NN & PTNT và Tổng cục Thuỷ sản cần nhanh tay giải quyết vấn đề ethoxyquin cho ngành tôm.
+ Về vấn đề dư lượng hoá chất, kháng sinh, đề nghị Bộ NN & PTNT, Tổng cục Thuỷ sản tham mưu danh mục hoá chất phải tương thích với các quy định của các thị trường.
+ Bộ NNPTNT và Tổng cục Thủy sản cần mạnh mẽ chỉ đạo các cơ quan có biện pháp giải quyết dịch bệnh tôm, nếu không sẽ dẫn đến tê liệt cả chuỗi sản xuất XK tôm.
+ Bộ NNPTNT nên quan tâm lắng nghe tiếng nói VASEP một cách cầu thị hơn. Mặc dù Bộ đã có quyết định cấm enrofloxacin và trifluralin nhưng chúng tôi thấy là chưa kịp thời, gây tổn hại không ít cho nhiều DN XK tôm Việt Nam.
+ Cá hồi Na Uy là mô hình quản lý kết hợp giữa Nhà nước và Hiệp hội. Đây là kinh nghiệm Tổng cục Thủy sản nên xem xét, áp dụng trong nuôi và chế biến tôm. Cần có sự ràng buộc đối với các hộ nuôi: đảm bảo cơ sở ao nuôi đạt kỹ thuật, cũng như ràng buộc với các DN để hạn chế cạnh tranh, làm mất uy tín sản phẩm tôm Việt Nam.
+ Sự phối hợp giữa những thành viên trong chuỗi giá trị tôm vẫn chưa có mô hình cụ thể. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh cùng Ngân hàng Nông nghiệp địa phương kêu gọi hình thành Quỹ phát triển Thuỷ sản địa phương gồm: ngân hàng, nhà máy chế biến, nhà cung ứng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, hộ nuôi tôm lớn và VASEP. Mục tiêu là thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm: xử lý tôm bệnh, xây dựng mô hình nuôi tôm bền vừng ở từng khu vực. Qua đây có thể tìm ra những mô hình liên kết mới. Ngày ra mắt, quỹ này đã đóng góp được hơn 2 tỷ đồng.
+ Trước tình hình khó khăn chúng ta có thể mất thị trường Nhật, vì vậy rất mong Bộ NNPTNT có giải pháp xử lý kết hợp với địa phương và cộng đồng DN để thống nhất hành động.
9. Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Số DN thủy sản giảm mạnh là quá trình sàng lọc và đào thải
5 tháng đầu năm, tình hình diễn biến phức tạp, nhưng ngành thuỷ sản vẫn đạt thành tích lớn, đó là sự đóng góp của cộng đồng DN, xin chúc mừng các DN.
Tôi nhất trí cao với sự đánh giá của các đồng chí về kết quả kinh doanh, khó khăn về khai thác thị trường, tác động không mong muốn về diễn biến trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Châu Âu đối với thuỷ sản Việt Nam.
Tôi xin gợi ý một số vấn đề để các đại biểu và DN tham gia ý kiến cho Hiệp hội, để Hiệp hội chuyển thành các kiến nghị gửi các cơ quan quản lý, ngân hàng và các cơ quan chính phủ để đưa thủy sản vượt qua thách thức đạt kỳ vọng 6,7 -6,8 tỷ USD.
1. Thiếu nguyên liệu: Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nhất là ngân hàng là biện pháp thiết thực để giúp DN ổn định nguyên liệu. Vấn đề khó khăn là thiếu vốn, lãi suất cao…Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với Bộ NN & PTNT và Bộ Tái chính làm việc với các ngân hàng kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN thủy sản (kiến nghị của VDB gửi thủ tướng). Bộ Công Thương đã giao vụ XNK có văn bản kiến nghị Thủ tướng ủng hộ kiến nghị VDB hỗ trợ ngành cá tra. Trong khi chờ ban hành quy chế tín dụng XK, Ngân hàng Phát triển đề nghị các cơ quan tái cơ cấu sản xuất. Đề nghị các Bộ chủ động có ý kiến với Chính phủ để có cách giải quyết hiệu quả hơn.
VASEP nên có kế hoạch làm việc với các ngân hàng thương mại đang cho DN vay để có điều kiện làm việc với Ngân hàng nhà nước và Chính phủ có giải pháp đồng bộ giúp DN tháo gỡ khó khăn như giãn thuế, giảm thuế GTGT…
Chính phủ đã có chủ trương hạ lãi suất huy động xuống 9% và lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng.
2. Chi phí sản xuất tăng cao: Vấn đề phức tạp như phí môi trường đối với túi PE, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường, kiến nghị Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm XK nói chung. VASEP nên có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhất là khi đang có họp Quốc hội.
Hiệp hội cũng nên rút kinh nghiệm: trong khi các Bộ lấy ý kiến dự thảo, cần tham gia ý kiến kịp thời và đủ mức để ngăn ngừa những luật có thể ảnh hưởng đến DN. VD: Về việc thay đổi quy trình thu thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất, VASEP nên tham khảo ý kiến DN.
3. Số DN thủy sản giảm mạnh, tôi đồng ý đây là quá trình sàng lọc và đào thải, vì nhiều DN tham gia với tính chất thời vụ, không có chiều sâu làm giảm khả năng cạnh tranh.
Chính sách Nhà nước giúp cho nhiều NH được hưởng lợi, trong khi DN khó khăn, Chính phủ đã nhìn thấy thực tế đó và đã không áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo hiểm. Chính phủ đã yêu cầu giãn lãi suất có nghĩa là đang chuyển sang hỗ trợ DN
4. Về vấn đề thị trường Châu Âu suy giảm: Bộ đang chỉ đạo cơ quan chức năng tìm biện pháp đối phó sự suy giảm sức mua. Giải pháp Hiệp hội đưa ra là chưa đủ, nên có định hướng để giữ thị trường này. Việc đua nhau hạ giá tại thị trường Hoa Kỳ gây tâm lý bất lợi cho cá tra Việt Nam. Đề nghị Hiệp hội và Uỷ ban Cá nước ngọt vận động đấu tranh để Mỹ không đưa yêu cầu về kiểm soát cá da trơn vào Đạo luật Nông nghiệp của Hoa Kỳ.
5. Đối với vấn đề NK nguyên liệu: hiện các DN NK vẫn phải xin giấy phép tự động, tôi đề nghị Hiệp hội làm việc ngay với Vụ XNK và Bộ Công Thương để loại bỏ ngay việc phải cấp giấy phép tự động
6. Vấn đề tỷ lệ hàng GTGT thấp, tôi nghĩ việc này khó chuuyển biến, vì ngay với Na Uy cũng phải chấp nhận tỷ lệ XK cá nguyên liệu cao.
7. Về xúc tiến thương mại: Bộ Công Thương đã rất quan tâm ưu ái cho các DN trong các chương trình Xúc tiến Thương mại lớn. Nhưng năm 2012, kinh phí cắt giảm bằng 1/3 của năm 2010, nhưng Bộ vẫn cố gắng thu xếp để VASEP và DN tham gia Hội chợ Bruxen và tổ chức Vietfish.
Đối với việc quảng bá cá tra, sắp tới có một số hãng thông tấn vào làm việc, VASEP cần phối hợp với Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao để đưa tin tích cực.
10. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản : Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của Hiệp hội
Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của Hiệp hội, nhưng cũng mong sự thông cảm của DN vì nhà nước cũng có rất nhiều khó khăn. Tất nhiên, về phía nhà nước phải có sự thay đổi rất nhiều trong cách thức và quy trình làm việc. Tôi xin ghi nhận những bức xúc và phản ánh của các DN và sẽ xử lý những vấn đề trong phạm vi của Tổng cục Thủy sản.
Tôi xin trả lời một số vấn đề:
Về vấn đề giống cá tra: Chính phủ bỏ ra khá nhiều tiền để nâng cao chất lượng giống. Năm 2011 đã cung cấp 100.000 cá tra giống cho người nuôi. Tỷ lệ hao hụt không hoàn toàn do chất lượng giống, chính chúng ta vi phạm nhiều trong quy trình từ ương nuôi vận chuyển, bảo quản…chúng ta đã ít chú ý mà chỉ thuần tuý đổ cho tại chất lượng giống.
Về giống tôm chân trắng: Đúng là phụ thuộc vào NK, cần kiểm soát chất lượng từ gốc là đúng. Sắp tới đề nghị các cơ sở giống bên ngoài phải nộp hồ sơ đánh giá, có nhiều DN tự sản xuất, nhưng cần phải có chứng nhận đánh giá của cơ quan chức năng cho sản phẩm của mình. Cơ quan quản lý đồng ý cho DN tự sản xuất tôm bố mẹ phục vụ cho hoạt động nuôi của mình.
Về vấn đề enthoxyquin: Bộ NN đã có khuyến cáo người nuôi dừng cho ăn trước khi thu hoạch. Bộ trưởng đã cử Cục trưởng Nafiqad sang Nhật, Vụ Hợp tác Quốc tế và khoa học làm việc với đại sứ Nhật về vấn đề này, giao Nafiqad lập danh mục các đối tác có khuyến cáo để xử lý lâu dài.
Về vấn đề thành lập hiệp hội cá tra là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phát triển sản xuất cá tra chỉ đạo. Các thủ tục: chúng tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo lại các bộ, cơ quan liên quan.
Về vấn đề đầu tư nước ngoài: Việc chủ trương đưa hợp tác nước ngoài vào hoạt động khai thác, cần có sự tham gia của cộng đồng DN. Tổng cục Thủy sản tiếp tục làm việc để tháo gỡ sớm để được đầu tư khai thác nước ngoài
Đối với bệnh tôm: Năm ngoái và năm nay xảy ra nghiêm trọng, bệnh hoại tử gan cấp khiến tôm chết giai đoạn sớm 5 – 10 ngày tuổi. Đến nay vẫn chưa xác định được tác nhân gây bệnh, nhưng bệnh này đã xảy ra ở Trung Quốc và Thái Lan. Kể cả chuyên gia thú y thuỷ sản quốc tế cũng chưa xác định được nguyên nhân.
Đề nghị VASEP xác định lại những cái gì trong khung cảnh mới phải làm. Sự liên kết nhà nước với VASEP và người nuôi là điều chúng tôi mong mỏi.
Đối với giá bán cá tra, các DN cần thống nhất hơn, nếu tiếp tục như thế này chúng ta sẽ chết. Riêng về cá tra, Chính phủ đã đồng ý sẽ ban hành Nghị định cá tra.
11. Ông Trần Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Baseafood: Thiếu nguyên liệu, nhập khẩu thủy sản sẽ tăng
Về vấn đề NK nguyên liệu: Trước đây Việt Nam NK những loài cá nước ta không có như cá hồi, nhưng những năm gần đây do thiếu nguyên liệu trầm trọng (nhất là các mặt hàng hải sản) vì nhiều nguyên nhân nên NK thủy sản vào Việt Nam gia tăng và dự báo thời gian tới sẽ tăng nữa.
Nguyên nhân do sự tranh mua tranh bán gay gắt trong địa bàn các tỉnh và do một số thương nhân nước ngoài tranh mua nguyên liệu của các DN Việt Nam; tình trạng khai thác quá mức trong những năm gần đây, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản không tốt dẫn đến cạn kiệt càng làm cho nguyên liệu thêm khó khăn.
Để giải quyết việc này, cần có chiến lược quản lý của Nhà nước. Nhà nước nên đưa các chương trình cấm đánh bắt ở một số vùng trong một khoảng thời gian giống như Trung Quốc đã thực hiện ở nước họ để bảo tồn nguồn lợi.
Đối với vấn đề ân hạn thuế 275 ngày cho thủy sản NK để gia công, sản xuất XK, tôi được biết sau một số vụ trốn thuế của các DN ngoài ngành thủy sản trong thời gian qua, phía Tổng cục Hải quan đã đề xuất với Bộ Tài chính phương án cho các DN muốn NK được hưởng ân hạn thuế 275 ngày trong trường hợp tạm nhập tái xuất thì phải có bảo lãnh từ ngân hàng. Bảo lãnh ở đây giống như một gói vay phải có thế chấp và phải trả phí ít nhất 2%/năm. Như vậy sẽ rất khó khăn cho DN vì vay để sản xuất còn đang rất khó khăn huống chi vay phải có bảo lãnh. Nên chăng Nhà nước có quy định đối với từng ngành: ngành nào cần bảo lãnh, ngành nào không cần.
12. Ông Võ Đông Đức – Tổng Giám đốc CASEAMEX: Cần chấm dứt tình trạng giá sàn cá tra quá thấp
Chúng ta đang thấy rõ chiều hướng bất lợi cho ngành cá tra từ nuôi trồng, chế biến đến XK. Giá cá tra liên tục giảm từ đầu năm. Từ tháng 1/2012, giá cá tra luôn ở mức giá sàn thấp nhất. Đầu năm là 3,12 USD/kg, đến nay chỉ còn 2,5 - 2,6 USD/kg. Nếu giữ mức giá này sẽ không thể nào tồn tại được. Tất cả các thị trường đều cảnh báo, buôn bán cá tra không có lời. Tại thị trường Mỹ, POR 8 với giá sàn là 3,4 USD/kg nhưng đến POR 9 có thể giá sẽ về ngưỡng 3 USD/kg. Đây là chính DN tự làm khó mình. Cần phải có chính sách để chấm dứt tình trạng này. Mặc dù biện pháp về giá sàn đã được các DN bàn cách đây 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được.
Một số DN nước ngoài đã nhảy vào đầu tư kinh doanh cá tra (vùng nuôi và thức ăn…). Không chỉ cạnh tranh ở thị trường trong nước, hiện nay các nước xung quanh chúng ta cũng đang đầu tư đẩy mạnh nuôi và XK loài cá này. Vì vậy, tôi đề nghị phải có chính sách không để các DN nước ngoài nhảy vào, đánh bật nông dân và DN Việt Nam ra khỏi sân chơi mà DN chúng ta đã xây dựng từ bao nhiêu năm.
13. Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank: Vietcombank xin gia nhập Hiệp hội để đóng góp tốt hơn cho doanh nghiệp thủy sản
Có thể nói thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, với kim ngạch XK lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 10 năm gần đây, ngành XK thủy sản liên tục tăng trưởng và là ngành có thị trường rất đa dạng.
Vị trí của thuỷ sản trong chiến lược của Vietcombank:
Trong tổng mức đầu tư (khoảng 1 tỷ USD) của Vietcombank, thủy sản đứng thứ 3. Hiện nay dư nợ thủy sản của Vietcombank khoảng 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Diễn biến dư nợ tăng đều qua các năm. Vietcombank luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu thanh toán XNK của ngành thủy sản, đáp ứng ¼ thị phần thanh toán của ngành.
Vietcombank luôn chủ động rà soát, lắng nghe DN. Hiện ngân hàng có các chi nhánh tập trung cho ngành thủy sản. VD: Chi nhánh Cà Mau dành 90% danh mục cho ngành thủy sản, chi nhánh tại Sóc Trăng dành 70%.
Vietcombank có đánh giá cập nhật và xác thực về DN thủy sản. Trong 3 năm qua, các chỉ số hoạt động DN đi xuống nhưng chia ra các quy mô: DN lớn chỉ số xuống ít, DN càng nhỏ chỉ số càng giảm mạnh. Chính phủ đã có giải pháp cứu ngân hàng, nhưng hiện các ngân hàng lại do dự trong việc cứu DN.
Tỉ lệ tổn thất của VCB đối với ngành thủy sản là 3%. Trong năm 2011, Vietcombank đã có gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng với lãi suất thấp từ 1% - 1,5%.Trong chương trình 2012, Vietcombank có gói tín dụng 300 triệu USD cho các DN XK, tính đến ngày 31/5/2012 đã giải ngân được 60 triệu USD cho DN thủy sản với mức lãi suất 2,8%. Ngoài ra Vietcombank có gói hỗ trợ bằng VND là 9.000 tỷ đồng ưu đãi với lãi suất thấp hơn thị trường 2%, hy vọng trong thời gian tới, mức lãi suất sẽ ổn định trong khoảng 11%. Hiện số tiền này đã giải ngân được khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của tôi, tình hình hiện nay nói chung khá bi quan. Vấn đề hiện nay không phải là giá mà là sức hấp thụ của DN. Tôi có 3 ý muốn chia sẻ:
- Về chính sách ngành: là 1 nước không có lợi thế cạnh tranh gì ngoài nông nghiệp, vì vậy cần đẩy mạnh giải quyết vấn đề của ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản, thông qua vai trò của Hiệp hội VASEP.
- Định vị lại vai trò của DN: là việc vô cùng quan trọng. Vietcombank đã có tiếng nói và vận động hành lang với chính phủ và được chia sẻ về nhận thức, xác định vấn đề là vai trò của DN. Có thể thuê tư vấn để hỗ trợ cho việc này. Vietcombank luôn đồng hành cùng DN trong vận động hành lang và hỗ trợ tư vấn.
- Vietcombank xin gia nhập Hiệp hội để đóng góp tốt hơn cho DN.
14. Ông Jiro Takeuchi – Công ty Uhrenholt, Đan Mạch
Tôi xin giới thiệu một chút về công ty Uhrenholt. Uhrenholt là 1 cty gia đình với 44 năm kinh doanh bơ sữa, thịt và thuỷ sản. Năm 2011 công ty đạt doanh số 600 triệu USD, thuỷ sản 25%. Công ty có 700 nhân viên, tại Đan Mạch 200 nhân viên, Nga 250 nhân viên còn lại các nước Châu Âu khác. Doanh số thuỷ sản của công ty đạt 150 triệu euro/năm.
Thị trường Châu Âu:
Liệu đồng EUR có bị phá vỡ không? Có thể khẳng định là không vì Đức là chủ nợ lớn, sẽ khó lòng để đồng EUR bị phá vỡ. Tuy nhiên bức tranh về đồng EUR không sang sủa khi các nước phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng có thể tạo bất ổn xã hội. Nền kinh tế Mỹ có xu hướng phục hồi nhẹ, ảnh hưởng đến EUR. Dự đoán đồng EUR sẽ giảm nhẹ. Tỷ giá EUR/USD=1,21, có thể duy trì hoặc ở mức thấp hơn. Lãi suất đang ở mức thấp và sẽ tiếp tục duy trì, lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong tương lai, nhưng khó tác động đến sự phát triển của nền kinh tế euro vốn đang suy yếu, khó phục hồi.
Một số ngân hàng Châu Âu được các tổ chức tài chính phi chính phủ cứu trợ. Tại sao khủng hoảng? Do sự mất cân bằng giữa Nam Âu và Bắc Âu, có ảnh hưởng lớn đến Châu Âu nói chung. Ngân sách tiền lương các nước Nam Âu tăng đáng kể so với các nước Bắc Âu từ năm 1999 (khi bắt đầu sử dụng đồng euro). Khi khủng hoảng kinh tế, chính phủ các nước Bắc Âu sẵn sàng giảm chi tiêu, nhưng Bắc Âu lại chờ các gói cứu trợ hoặc giải pháp. Chỉ số công nghiệp Bắc Âu không tăng trưởng, Nam Âu tăng trưởng âm. Rủi ro cho vay giữa các nước Bắc Âu và Nam Âu có sự khác biệt. Trong những ngày vừa qua, chúng ta nghe nói nhiều về Hy Lạp, Pháp bầu Tổng thống mới, những bất ổn xã hội xảy ra ở hầu hết các nước Châu Âu, hiện nay tiền lương giảm, tâm lý người dân bị ảnh hưởng. Các ngân hàng các nước hiện đang được xem xét các gói cứu trợ, chỉ có chính phủ Anh có nguồn lực hỗ trợ, các nước khác trông chờ vào nước ngoài như IMF, Hy Lạp cần cứu trợ nhiều nhất. Liệu Hy Lạp có rời khỏi khu vực đông euro không? Sự ảnh hưởng của Hy Lạp thực ra không lớn. Niềm tin vào ảnh hưởng của Hy Lạp trong khối đang lây lan, đó là vấn đề. Nếu đồng euro bị phá huỷ Đức sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.
Tập quán của người tiêu dùng Châu Âu:
Chỉ số thương mại bán lẻ giảm 25%, thị trường Đức trì trệ, Ailen tăng trưởng nhẹ, các thị trường khác thu hẹp: Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, niềm tin người tiêu dùng bị suy giảm. Các DN cắt giảm chi tiêu và việc làm ảnh hưởng ngược lại nền kinh tế.
Đối với ngành thuỷ sản Châu Âu: Pháp tiêu thụ thủy sản 32kg/người, trung bình của 28 nước: 22kg/người/năm. Tiêu thụ thủy sản vẫn tăng hàng năm dù khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên tôm chiếm 7% tiêu thụ thủy sản. Họ tiêu thụ cá thịt trắng nhưng sản lượng suy giảm: cá tuyết,cá minh thái. Có sự khác biệt các nước: têu thụ thủy sản qua kênh bán lẻ chiếm 70%, tích cực cho thuỷ sản nuôi. Các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý ăn nhiều đồ thuỷ sản khai thác nên có sự thay đổi nhanh.
Một trong những điều giúp phát triển giá trị thủy sản là sản phẩm đóng gói sẵn. Nhưng thách thức đối với người tiêu dùng Châu Âu là thành phần trong sản phẩm đóng gói sẵn. Khó có thể sản xuất sản phẩm với các thành phần được thị trường Châu Âu chấp nhận, vì chi phí sẽ rất cao.
Xu hướng của ngành tôm:
Ecuador XK tôm vào thị trường Châu Âu nhiều nhất ( từ năm 2008 - 2010). Pháp, Ý và Tây Ban Nha tiêu thụ thủy sản nhiều nhất. Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước XK tôm vào Châu Âu. Tây Ban Nha NK nhiều tôm nhất, trong đó Achentina cung cấp nhiều nhất. Đơn hàng tôm nguyên con giảm mạnh. Ecuador và Trung Quốc cũng cung cấp chính, Thái Lan suy giảm một chút.
Pháp là thị trường tiêu thụ thứ 2, Ecuador cung cấp nhiều nhất, nói chung tiêu thụ cũng suy giảm.
Thị trường Ý: Êcuađo cung cấp nhiều nhất, sau đó đến Indonesia và Ấn Độ
Cá tra:
Sản lượng cá tra vào Châu Âu có dấu hiệu suy giảm. Sản lượng cung cấp bị hạn chế, theo đánh giá của người mua hàng Châu Âu, tuy nhiên nhu cầu của thị trường cũng không cao. Thị trường Mỹ lại gia tăng sản lượng cá tra NK từ Việt Nam. Khách hàng Châu Âu (siêu thị ) tìm hiểu cá tra có chất lượng tốt, sẵn sàng trả giá cao hơn. Giá các loài cá thịt trắng khai thác tự nhiên hiện nay rất rẻ. Tuy nhiên, vẫn có xu thế tiêu cực của một vài thị trường: ví dụ như vụ sản phẩm dán nhãn sai ở Anh, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Trước đây có thông tin Việt Nam muốn giá sàn cá tra, tôi ủng hộ quan điểm này.
Cơ hội và thách thức đối với nhà NK và phân phối ở Châu Âu:
Nhưng DN yếu sẽ không có cơ hội trên thị trường. Nhiều khách hàng ở Châu Âu không có khả năng chi trả. Vì người tiêu dùng Châu Âu bị suy giảm thu nhập nên sẽ có xu thế: có những công ty Châu Á thôn tính các công ty Châu Ấu để nắm kênh phân phối.
Thách thức: Đồng euro suy yếu ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng; sự quan tâm gia tăng về môi trường và tính bền vững của ngành cung cấp thực phẩm; Sự kiểm soát về lượng tồn kho. Suy giảm sức mua vì đang tăng cường kiểm soát lượng tồn kho. Xu thế những năm qua, các công ty mua vào rồi bán, những năm tới sẽ kiểm soát nếu không sẽ bị phá sản.
Theo dòng sự kiện:
* DN ngành thủy sản thiếu nguyên liệu
* Số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
* Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn
* Cảnh báo doanh nghiệp cá tra đổ dồn sang thị trường Mỹ
* Mạnh tay loại bỏ doanh nghiệp thủy sản yếu kém
* Xuất khẩu thuỷ sản đói nguyên liệu, vốn vay
* Cá tra, tôm cùng ngắc ngoải
* DN xuất khẩu gặp khó vì giá cước tàu biển tăng vùn vụt