Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016

Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016
Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016
 

(vasep.com.vn) Sáng ngày 2/8/2016, tại T.P Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016. Tham dự Hội nghị có đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các doanh nghiệp hội viên VASEP...

Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016
 

Năm 2015 là một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam, phải đương đầu với khó khăn, thách thức trên mọi mặt. Với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ đô la, tức là giảm gần 15% so với năm 2014 đã minh chứng cho những khó khăn chung của toàn ngành. Xuất khẩu 3 mặt hàng chính là tôm, cá tra và cá ngừ đồng loạt giảm.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản đã có những tín hiệu đáng mừng, đã có sự phục hồi và tăng trưởng nhẹ, đem lại hy vọng về sự ổn định của xuất khẩu thủy sản trong năm 2016. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong trung và dài hạn có thực sự hồi phục và phát triển hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

- Thứ nhất: Kinh tế thế giới với sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế lớn sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng xuất khẩu, trong đó những thị trường chính cuả Xuất khẩu thủy sản Việt Nam như Nhật và EU vẫn tăng trưởng ở mức thấp; Trung Quốc và 1 số nền kinh tế mới nổi tiếp tục suy giảm; Bên cạnh đó nhiều nước áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để kích thích tăng trưởng khiến cho thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến rất phức tạp . Vì vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng để đưa ra 1 chiến lược kinh doanh tỉnh táo và phù hợp.

- Thứ 2: Sự hội nhập quốc tế sâu rộng trong đó Việt Nam gia nhập cộng đồng Asean , kết thúc đàm phán TPP và việc thực hiện các Hiệp định thương mại (FTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Việc cắt giảm thuế quan cũng đi kèm với các điều kiện, qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn, đồng thời, các hàng rào bảo hộ ngành công nghiệp nội địa sẽ tăng áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam với các nước thành viên. Trước ngưỡng cửa hội nhập Việt Nam  là quốc gia đứng thứ 3 về sản lượng nuôi trồng ( sau Trung Quốc, Ấn Độ), thứ 4 về xuất khẩu ( sau Trung Quốc, Na Uy, Thái Lan). Nhưng liệu Việt Nam và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có nắm bắt được vận hội mới này hay không.

Do vây, việc có tận dụng được thời cơ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mức  độ chuẩn bị và cải tổ nhanh hay chậm của mỗi doanh nghiệp bên cạnh tiến trình cải cách kinh tế nước nhà trong quá trình hội nhập hiện nay.

- Thứ 3: Sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán và sự đe dọa của môi trường sinh thái hiện hữu đã là yếu tố tác động rất lớn đến sự phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo thống kê cập nhật của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, tính đến hết tháng 4/2016 tổng thiệt hại do các hiện tượng tai biến nêu trên tại ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã lên đến hơn 9 ngàn tỷ đồng. Nếu tính thêm con số thiệt hại do hậu quả xả chất thải vào biển của Formosa thì thiệt hại còn không thể tính hết được.

Là ngành xuất khẩu phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản và khai thác hải sản từ biển, do đó tác động của biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của ngành nghề và cuộc sống của hàng triệu người dân tại vùng ĐBSCL cũng như ven biển miền Trung.Việc thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu ngày càng gay gắt hơn, trong năm 2015 Việt Nam đã nhập khẩu các mặt hàng Thủy sản từ 84 nước và vùng lãnh thổ với giá trị trên 1 tỷ USD, nhiều nhất là mặt hàng tôm chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu.  Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu chỉ là giải pháp tạm thời cho 1 ngành công nghiệp hướng đến con số xuất khẩu 10 tỉ USD.  Câu chuyện biến đổi khí hậu, dịch bệnh và thiếu hụt nguyên liệu sẽ ngày càng trầm trọng nếu chúng ta không có những giải pháp hiệu quả, thiết thực để ngăn chặn và phòng chống ở tầm vĩ mô.

Hội nghị toàn thể hội viên VASEP 2016

Những khó khăn của hoạt động xuất khẩu thủy sản trong Hiệp Hội không chỉ bị ảnh hưởng từ tác động của các nhân tố bên ngoài, mà còn cần phải quan tâm đến những vấn đề nội tại của Hiệp Hội.  Thực tế trong nhiều năm qua, Hiệp Hội đã nỗ lực để tập hợp ý kiến, tạo được sự đồng thuận cao trong Hội viên và đã có những hoạt động tích cực, nhất là trong vận động chính sách, phối hợp vượt rào cản của các thị trường…. Tuy nhiên, do tác động của cạnh tranh không đáng có ở trong nước và toàn cầu đã khiến các doanh nghiệp hội viên có lúc thiếu sự tin cậy và kết nối với nhau, chủ yếu là hoạt động đơn lẻ, thiếu sự phối hợp chung... khiến cho có những lúc, những thời điểm không tạo ra được sức mạnh của cả cộng đồng, không phát huy hết được sức mạnh đoàn kết trong hoạt động của Hiệp Hội.

Do vậy, việc xây dựng  một cơ cấu phù hợp hơn trong tương lai để tập trung, phát huy được sức mạnh của Hiệp hội, phát huy sự đoàn kết và có sự đồng thuận cao trong các hoạt động là điều cần thiết để vượt qua khó khăn thách thức trong thời gian tới.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Hiệp hội phải vận động và phát triển cho phù hợp với tốc độ và nhu cầu của doanh nghiệp, Hiệp hội cần phải  triển khai và tổ chức tốt các chương trình hoạt động riêng biệt có hiệu quả dành cho các hội viên Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các ngành hàng cũng như các hội viên liên kết. Có như vậy mới khơi dậy và tập hợp được những ý kiến đóng góp về chính sách, những chương trình hỗ trợ thiết thực, tạo niềm tin để các hội viên cảm nhận được sự quan tâm thực sự từ Hiệp hội. Từ đó, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp Hội, coi Hiệp hội thật sự trở thành nơi tập hợp mọi nguồn lực cho sự lớn mạnh và là chỗ dựa, là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.


  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM