Người nuôi tôm thẻ gặp khó

Nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng được xem là thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Hằng năm, riêng mặt hàng tôm đã mang về hàng tỉ USD cho địa phương từ việc xuất khẩu.

Thời gian qua, giá tôm thẻ nguyên liệu giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở ĐBSCL đứng ngồi không yên. Hiện nay, tôm thẻ loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá 83.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá 90.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 94.000 đồng/kg…

Giá tôm thẻ nguyên liệu giảm chạm đáy nhưng giá một số loại thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản lại tăng, dẫn đến chi phí đầu tư vụ nuôi đội lên cao. Qua đó, lợi nhuận của người dân sau vụ nuôi ngày càng ít hơn, nhiều người thậm chí lâm vào cảnh nợ nần do thua lỗ.

Giá tôm thẻ nguyên liệu giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi ở Cà Mau đứng ngồi không yên

Giá tôm thẻ nguyên liệu giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi ở Cà Mau đứng ngồi không yên

Nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn vì tốn nhiều chi phí cho việc thuê phương tiện cơ giới làm ao, mua bạt lót, thức ăn… Trong quá trình nuôi, người dân phải dành toàn thời gian chăm sóc và quan sát sự phát triển của tôm.

Nếu không phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường của tôm thì chỉ trong thời gian ngắn, người nuôi sẽ trắng tay, bao công sức bỏ ra coi như "đổ sông đổ biển". Vậy nên, không ít người đã ví nuôi tôm công nghiệp giống như "chơi canh bạc", bởi trúng mùa thì đổi đời, còn thua lỗ thì nợ nần bủa vây.

Ông Huỳnh Văn Luyến - ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau - cho biết giá tôm thẻ nguyên liệu giảm 5.000-20.000 đồng/kg (tùy loại) so với thời điểm giá đạt đỉnh. Áp dụng hình thức nuôi công nghiệp cần số tiền lớn nên không ít người đã phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay ngân hàng hoặc vay mượn từ người thân để có vốn đầu tư cho vụ mới.

"Vụ tôm vừa rồi đạt năng suất khá nhưng thu hoạch ngay thời điểm giá giảm, cộng với chi phí đầu tư đội lên cao nên chúng tôi thua lỗ. Để hạn chế rủi ro, nhiều người nuôi tôm quyết định tạm thời "treo ao", chờ giá tăng trở lại rồi mới nuôi vụ mới. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng có những giải pháp kịp thời nhằm chia sẻ khó khăn cùng người dân" - ông Luyến bộc bạch.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho rằng nguyên nhân khiến giá tôm thẻ nguyên liệu giảm mạnh thời gian qua là do cung vượt cầu, nhu cầu tại một số thị trường xuất khẩu giảm; chi phí vận chuyển, logistics tăng cao; ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trên thế giới… Những tháng cuối năm 2024, dự báo giá tôm thẻ sẽ tăng trở lại vì lúc này, nhu cầu của thị trường thường rất cao.

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân trong thời gian này cần lựa chọn những mô hình nuôi phù hợp, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, như: nuôi tôm quảng canh cải tiến 2-3 giai đoạn; phát triển các mô hình tôm - lúa, tôm - rừng… 

Theo nguoilaodong

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục