Giải pháp cho vùng nhiễm mặn Bạc Liêu: Hiệu quả mô hình tôm – lúa

Từ khoảng 15 năm trở lại đây, phần lớn đồng đất ở tỉnh Bạc Liêu đều trong tình trạng xâm nhập mặn và ngày càng khốc liệt. Do độ nhiễm mặn ngày càng cao nên không thể trồng được 2-3 vụ lúa như trước đây, phải chuyển đổi sang nuôi hai vụ tôm và trồng một vụ lúa. Tuy nhiên, quy trình chuyển đổi vô cùng gian nan để thích ứng với độ mặn biến động thất thường hàng ngày…

Chị Điệp trên ruộng tôm - lúa của gia đình

Chị Điệp trên ruộng tôm - lúa của gia đình

Chị Đỗ Thị Điệp - xã viên Hợp tác xã Thành Công 1, ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết gia đình chị có 12 ha ruộng, trong đó có 4 ha nằm trong vùng đê bao ven sông, giảm được độ mặn, nên còn sản xuất được một vụ lúa.

Hiệu quả từ dự án Tôm - Lúa 

Đồng đất của xã Phong Thạnh A nằm cách biển khoảng 35 km, xưa kia ruộng “ngọt” nên canh tác được 2-3 vụ lúa. Thế nhưng từ khoảng 15 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng suy giảm mực nước các con sông (những nhánh rẽ từ sông Hậu đổ ra biển), dẫn đến xâm nhập mặt ngày càng khốc liệt. Từ mười năm nay, độ nhiễm mặn ngày càng cao, nên không thể trồng được 2-3 vụ lúa như trước đây mà phải chuyển đổi sang nuôi hai vụ tôm và trồng một vụ lúa.

Chị Điệp cho biết những năm trước đây, khi dự án tôm - lúa hữu cơ chưa về, nông dân tự học theo nhau về cách nuôi tôm, chứ không có kiến thức kỹ thuật. Hồi đó, tôm thả với mật độ cao hơn, sử dụng cả phân gà và thức ăn công nghiệp để cho ăn, tỷ lệ tôm chết rất lớn, thường xuyên thua lỗ. Tuy nhiên, từ khi có dự án về, nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm quảng canh theo hướng hữu cơ.

Thả nuôi với mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp, sử dụng thiết bị đo độ mặn để thực hiện bơm nước vào hay bơm nước ra để duy trì độ mặn trong ruộng. “Nhờ nuôi theo quy trình kỹ thuật, tôm sống khỏe, nên hầu như không còn bị lỗ vốn nữa. Hiện nay với 4 ha tôm - lúa của gia đình tham gia mô hình, mỗi vụ thu về 160-200 triệu đồng tiền bán tôm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận còn khoảng 120 triệu đồng”, chị Điệp cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hưng (bên trái) cùng cán bộ UNDP (bên phải) trao đổi kỹ thuât với Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công 1 (người ngồi giữa)/ ảnh Chu Khôi

Ông Nguyễn Văn Hưng (bên trái) cùng cán bộ UNDP (bên phải) trao đổi kỹ thuât với Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công 1 (người ngồi giữa)/ ảnh Chu Khôi

Từ cuối tháng 8 trở đi, do mưa nhiều, độ mặn giảm xuống dưới 2‰ nên mới gieo trồng được lúa, cho đến đầu tháng 12 thì thu hoạch. Mỗi khi có mưa xuống, nước trong ruộng sẽ được ngọt hóa, nhưng chỉ một ngày sau, muối ở trong đất sẽ hòa tan vào nước khiến độ mặn tăng lên. Do đó, phải thường xuyên bơm nước từ ruộng ra kênh, làm khô ruộng lúa.

Theo chị Điệp, trước đây vẫn sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu cho lúa, các hóa chất này tồn dư trong ruộng, làm cho tôm chết hàng loạt. Từ khi được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, không bón phân và thuốc hóa học nữa mà thay bằng phân lợn, phân gà, thuốc trừ sâu sinh học. Tuy hiệu quả phòng trừ sâu bệnh thấp hơn, năng suất lúa thấp hơn, nhưng bù lại đến vụ nuôi tôm, tôm sống khỏe, nên tổng thu nhập của 3 vụ cao hơn, ít rủi ro thua lỗ hơn.

Ngoài 4 ha ruộng nằm trong vùng dự án, nhà chị Điệp thì còn 8 ha do nằm ngoài vùng đê bao sông. Do không thể bơm nước để điều chỉnh độ mặn, nên trên diện tích đó chỉ biết thả nuôi tôm quảng canh cả 3 vụ, nhưng tỷ lệ chết rất cao. Cả 8 ha đó bình quân mỗi năm chỉ đem về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng tiền bán tôm, lợi nhuận chỉ được 60-80 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trường phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết trên vùng đất nhiễm mặn của tỉnh Bạc Liêu, dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) chủ trì thực hiện đang được triển khai với tổng diện tích 190 ha, gồm 50 ha tôm - rừng và 150 ha tôm - lúa. 

“Tôm luôn cần môi trường có độ mặn ổn định thì mới sống được, nuôi tôm thẻ và tôm sú cần độ mặn tốt nhất từ 10 - 25‰. Nếu độ mặn xuống dưới 10‰ là tôm chết. Có những năm, vào tháng 4, một trận mưa rào đổ xuống, nước trong ruộng đang mặn bỗng bị ngọt hóa đột ngột, khiến xảy ra hiện tượng tôm chết hàng loạt. Do vậy, mấu chốt để nuôi tôm quảng canh thành công trên ruộng lúa, đó là phải tạo ra được con tôm giống thích ứng với biến đổi khí hậu, sống và sinh trưởng được trong môi trường nước có độ mặn biến động”, ông Hưng nói.

Nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính 

Tại trang trại sinh sản và nhân nuôi tôm giống của Công ty TNHH Giải pháp sinh học Giống Thủy sản Phương Hiền, một quy trình nhân nuôi tôm giống sạch bệnh, tạo ra những con tôm có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã được vận hành. Đây là đơn vị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm mời làm cơ sở cung cấp tôm giống cho các hợp tác xã tham gia Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng hữu cơ chứng nhận quốc tế, giảm phát thải khí nhà kính”. Cơ sở tại đây chuyên sản xuất hai giống tôm chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, ngoài ra còn có tôm càng xanh, với năng lực sản xuất và cung ứng ra thị trường 2,1 tỷ con tôm giống/năm.

Ông Phạm Trung Phương, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp sinh học Giống Thủy sản Phương Hiền, cho biết khác với nuôi thâm canh và siêu thâm canh, các chủ nuôi đầu tư công nghệ cao, luôn điều chỉnh được độ mặn trong cao theo đúng quy trình tại từng thời điểm.

Nuôi tôm quảng canh trong ruộng lúa và nuôi tôm rừng thì độ mặn trong nước luôn thay đổi thất thường, tôm rất dễ bị stress và chết. Vì vậy, cơ sở nhân giống tại đây đã và đang tạo ra những con tôm giống thích ứng được với độ mặn thay đổi thất thường, để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Dự án của UNDP cũng đưa ra yêu cầu tạo ra được những tôm giống phải giảm được lượng khí nhà kính phát thải từ ao nuôi...

Theo VnEconomy

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục