(vasep.com.vn) Đại sứ Ecuador tại Nhật Bản, ông Cesar Montano, đã đến thăm trụ sở chính của một công ty thuộc sở hữu của Mitsui để thảo luận về thương mại tôm và các mục tiêu của ngành này đối với thị trường Nhật Bản.
Tập đoàn Mitsui & Co. sở hữu một phần vốn của Industrial Pesquera Santa Priscila, một trong những công ty nuôi tôm lớn nhất Ecuador. Đại sứ Montano bày tỏ hy vọng gia tăng doanh số bán tôm Ecuador sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.
Liên quan đến mục tiêu sản lượng 2 triệu tấn tôm đã công bố trước đó vào năm 2025, Đại sứ Montano cho biết ông sẽ "xem xét tình hình thị trường" nhưng vẫn khẳng định chính sách của đất nước nhằm xây dựng một hệ thống có khả năng sản xuất đạt năng lực này. Ông bày tỏ mong muốn hai nước ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (EPA) để đảm bảo xuất khẩu tôm sang Nhật Bản ổn định trong tương lai.
Tháng 8/2023, Tập đoàn Mitsui tuyên bố sẽ đầu tư 360 triệu USD vào Santa Priscila, công ty nuôi và chế biến tôm lớn nhất của Ecuador. Thương vụ này biến Santa Priscila thành "công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu" của Mitsui.
Trong khi đó, Ecuador đang tập trung phát triển ngành công nghiệp chính của mình là nuôi trồng thủy sản. Theo Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador, nước này đã xuất khẩu 1,21 triệu tấn tôm vào năm 2023. Trong tổng số này, khoảng 710.000 tấn, tương đương 58%, được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông cũng mong muốn mở rộng hơn nữa lượng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Á và châu Âu.
Để phát triển thị trường tôm Ecuador tại Nhật Bản, quốc gia này đã quay trở lại tham gia các triển lãm thương mại như FOODEX hai năm trước. Năm nay, Mitsui & Co. Seafoods hợp tác với Ecuador trong việc phân phối mẫu thử tại triển lãm.
CEO của Mitsui & Co. Seafoods, cũng tuyên bố rằng công ty sẽ tập trung vào việc bán tôm Ecuador trong thị trường nội địa Nhật Bản.
Ecuador đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù Nhật Bản đã miễn thuế đối với tôm nguyên liệu như tôm nguyên đầu, nguyên vỏ, nhưng lại đánh thuế 10% đối với các sản phẩm tôm chế biến nhập khẩu. Đại sứ nhấn mạnh rằng trong tương lai, Ecuador mong muốn xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến sang Nhật Bản và hy vọng có được lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác thông qua việc giảm thuế quan.
Đối với các cáo buộc Trung Quốc từ chối lô hàng tôm Ecuador do hàm lượng sulfite quá cao kể từ đầu năm, Đại sứ Montano cho biết "Vì chúng tôi có Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) với Trung Quốc, chúng tôi mong muốn thảo luận thông qua một quan chức sở y tế. Chúng tôi đang tiếp tục giải quyết vấn đề này, để có thể giải quyết trong thời gian sớm nhất."
Đại sứ Montano cũng cho biết thêm Bộ Công Thương và Thủy sản Ecuador đã thiết lập các tiêu chuẩn cho quy trình nuôi tôm và yêu cầu các nhà xuất khẩu tuân thủ theo tiêu chuẩn này. Ông nhấn mạnh rằng một hệ thống đã được xây dựng để đảm bảo sản xuất tôm an toàn, bao gồm việc cấm xuất khẩu nếu các tiêu chuẩn không được đáp ứng.
Đại sứ cũng giải thích rằng Ecuador có các biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp tôm như giảm chi phí năng lượng tại các điểm sản xuất, hệ thống thuế để thu hút đầu tư nước ngoài, và việc thành lập các khu vực thương mại tự do đặc biệt.
Đại sứ cho biết các mức lương trả cho các công nhân Ecuador cao hơn so với các quốc gia khác trong ngành nuôi tôm, và ngành này tuân theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Ông cũng cho biết ngành nuôi tôm đang tìm kiếm các chứng nhận quốc tế như Marine Ecolabel Japan. Đại sứ cho biết người nuôi sẽ nỗ lực đạt được các chứng nhận này nếu thị trường yêu cầu.