(vasep.com.vn) Tại hội thảo tham vấn ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP (NĐ 49/2013), Nghị định số 60/2013/NĐ-CP (NĐ 60/2013) và Nghị định số 05/2015/NĐ-CP (NĐ 05/2015) do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 10/4/2018 tại Ninh Bình, nhiều đại diện cơ quan, Hiệp hội và DN đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc xung quanh việc thực hiện các quy định tại 3 nghị định này. Hơn thế, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc sửa đổi Bộ Luật Lao động sao cho phù hợp hơn với thực tiễn.
Ba nghị định trên là ba nghị định của Chính phủ ban hành nhằm hướng dẫn một số điều của Bộ Luật Lao động, trong đó NĐ 49/2013 quy định chi tiết về tiền lương, NĐ 60/2013 quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và NĐ 05/2015 quy định chi tiết một số nội dung khác của Bộ Luật lao động như: hợp đồng lao động, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, kỷ luật lao động...
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc Chính phủ ban hành NĐ 49/2013 đã tạo hành lang pháp lý để Hội đồng tiền lương Quốc gia ra đời, đi vào hoạt động đánh xấu việc xác lập tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường dựa trên kết quả thương lượng, thỏa thuận của đối tác ba bên. Tuy nhiên, việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có mức độ phức tạp tương đương trong điều kiện lao động bình thường đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều DN xây dựng thang, bảng lương theo thâm niên để đảm bảo khoảng cách ít nhất 5% dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả lương theo thâm niên, người có thâm niên nhiều thì lương phải cao, chi phí đóng BHXH cao. Thực trạng này khiến cho DN không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên và tìm nhiều cách sa thải để tuyển lao động mới.
Tại hội thảo, đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết, quy định trong việc xây dựng thang bảng lương, khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề trong thang bảng phải cao hơn 5% của thang lương đã làm cho DN mất quyền tự chủ trong việc xây dựng hệ thống thang bảng lương.
Trong thực tế, các DN coi lao động là “vốn quý” do đó họ xây dựng thang bảng lương cũng đã phải tính đến việc đảm bảo sao cho khuyến khích được người lao động trong nâng cao năng suất lao động cũng như trong học tập, phấn đấu tại DN và giữ chân được người lao động trong bối cảnh phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Do đó, đề nghị không khống chế tỷ lệ % cho khoảng cách giữa hai bậc lương liền kề mà để DN tự chủ động khi xây dựng thang bảng lương. DN có trách nhiệm trả lương cho người lao đông không thấp hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định nhưng có quyền lựa chọn kết cấu tiền lương.
Đồng thời, không yêu cầu lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng BH, kinh phí Công đoàn, đồng thời sửa đổi quy định tỷ lệ % bắt buộc cao hơn lương tối thiểu vùng khi trả lương cho lao động.
VASEP đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi NĐ 49/2013 theo phương án 1 mà Bộ đang lấy ý kiến tham vấn là: Bỏ quy định việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng. Với mục 1 Điều 3 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7, Chương III của Nghị định 49/2013, đề nghị bỏ quy định cao hơn ít nhất 5% và 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động bình thường.
Đa phần các ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc sửa đổi NĐ 05/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động không chỉ tháo gỡ khó khăn cho DN mà còn thể hiện tôn trọng quyền thỏa thuận, quyền thương lượng giữa NSD lao động và người lao động cũng như tổ chức đại diện lao động tại. Hầu hết các ý kiến đồng ý với 6 vấn đề mà ban soạn thảo đưa ra, một số ý kiến cũng đồng tình với ý kiến đề xuất của VASEP.
Về việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi theo khoản 1, Điều 29 của NĐ 05/2015: “Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.” Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, điều khoản này cần được sửa đổi do đang hạn chế việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp nuôi con nhỏ nhưng có những hành vi nghiêm trọng như: tham ô, làm lộ bí mật kinh doanh...
Ông Nam cho rằng, khoản 8, Điều 28: “Người sử dụng lao động có chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi nội quy lao động sau khi có hiệu lực đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh” đang bất cập so với Luật Doanh nghiệp. Khi các DN có chi nhánh thì đều có những quy định và thực tiễn của DN không thể lấy điều kiện kinh doanh, làm việc của DN đặt tại Tp.Hồ Chí Minh hay Hà Nội áp vào DN đặt tại Cà Mau khi nhiều DN có văn phòng đại diện hay cơ sở SX ở nhiều tỉnh khác nhau. Do đó, ông Nam đề nghị cho DN xây dựng nội quy lao động ở từng chi nhánh khác nhau đặt ở nơi khác nhau do điều kiện SX, KD khác nhau và cũng phù hợp với Luật DN. “Người SD lao động có chi nhánh , đơn vị sản xuất đặt ở nhiều tỉnh, Tp khác nhau có quyền xây dựng nội quy lao động hoặc ủy quyền xây dựng nội quy lao động”.
Đồng thời đề nghị bỏ quy định tại khoản 2, Điều 8: “Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động”. do DN không thể xác định trước nhu cầu sản xuất kinh doanh để đưa sẵn vào nội quy của DN để nhấn mạnh đến quyền tự chủ của DN.
Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), ban soạn thảo sẽ tiếp thu 1 số nội dung để có thể trao đổi trong việc sửa đổi Luật Lao động như: kỷ luật lao động trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ, lao động người cao tuổi...
Về vấn đề tính trợ cấp thôi việc và thất nghiệp, thời gian thực tế làm việc cho DN và thời gian đóng bảo hiểm sẽ nghiêm túc tiếp thu, xem xét kỹ lưỡng những ý kiến đặc biệt rà soát lại toàn bộ luật pháp có liên quan để đảm bảo quyền lợi của người lao động để tránh những cú sốc của cả DN và người lao động.
Liên quan đến hợp đồng lao động tuân thủ một số luật dân sự, luật DN hướng tới phân cấp, phân quyền và ủy quyền để DN được chủ động hơn trong vấn đề quản lý lao động, đặc biệt vấn đề ký hợp đồng và sa thải, kỷ luật, điều chuyển.
Ban soạn thảo cũng lưu ý về việc giải thích, làm rõ thêm một số nội dung để cho người lao động và người chủ áp dụng một cách rõ ràng hơn như: lý do kinh tế, đặc biệt, đặc biệt nghiêm trọng. Theo quan điểm của Ban soạn thảo cần phải để cho DN quy định khoản đó vào nội quy và vào trong hợp đồng.
Về phía đại diện Văn phòng Dự án ILO tại Việt Nam, bà Andrea Prince nhấn mạnh việc thương lượng tập thể và coi đó là nền tảng trong phương hướng hoạt động của ILO. Bà góp ý ban soạn thảo cần định nghĩa rõ ràng hơn về tiền lương tối thiểu, các tiêu chí ấn định mức lương tối thiểu cần chi tiết và cụ thể hơn nữa trong việc sửa đổi.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong Đề án cải cách chính sách tiền lương định hướng thực hiện chính sách tiền lương theo đúng nguyên tắc thị trường, Nhà nước sẽ giảm dần và tiến tới bãi bỏ can thiệp thông qua ban hành các nguyên tắc vào xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động của DN.