Doanh nghiệp dệt may đánh giá tác động từ các chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm

(vasep.com.vn) Ngày 4/10/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội thảo "Tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội đến các doanh nghiệp ngành dệt may".

Tại hội thảo này, VITAS và các DN dệt may đưa ra kiến nghị Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong 1-2 năm để DN lấy lại sức thay vì tăng gánh nặng liên tục như hiện nay.

Theo VITAS, trong vòng 10 năm qua từ năm (2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và tăng 15% đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như: giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động. Đặc biệt, với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, việc tăng lương đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. 

Việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm. 

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VITAS cho rằng, trên thực tế việc tăng lương tối thiểu vùng không giúp nâng cao đời sống người lao động do khi lương tăng sẽ kéo theo tăng giá các sản phẩm, dẫn đến tăng chi phí trong đời sống. Hơn nữa, hiện nay trên thị trường lao động cũng mới chỉ có khoảng 9,4 triệu lao động hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu. Phần lớn người lao động ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, nên việc tăng lương sẽ gây mất công bằng trên thị trường lao động. 

Tại dự thảo Nghị định của Bộ Lao động và Thương binh, Xã hội từ ngày 01/01/2018, tiền lương tối thiểu vùng bình quân tăng 6,5%, điều này làm tăng nền đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn, tăng chi phí nhân công, giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh của DN. Hơn nữa không khuyến khích người lao động làm việc tích hơn do tay nghề yếu nhưng được bù lương.

Lương tối thiểu là căn cứ xây dựng mức lương bậc 1 trong hệ thống thang, bảng lương nên khi mức khởi điểm tăng sẽ làm bậc lương tiếp theo tăng. Việc đóng thêm BHXH cho người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng cũng không chỉ làm tăng chi phí cho DN do lực lượng lao động này có tỷ lệ biến động rất cao mà còn tăng các thủ tục giấy tờ.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, qua hội thảo, Hiệp hội sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp về tác động của các cơ chế chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đến ngành dệt may, qua đó, VITAS sẽ đề xuất những giải pháp lên Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM