(vasep.com.vn) Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều văn bản đã nêu liên tục trong các Nghị quyết 19 của Chính phủ vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của nghị quyết. Nếu công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan vẫn còn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới và sáng tạo trong tổ chức thực hiện và nếu số cải cách, thay đổi hàng năm đếm được trên đầu ngón tay thì chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu… TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) đã nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa diễn ra vào ngày 10/3/2017 do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì. Tham gia Hội nghị có Thứ trưởng MPI Đặng Huy Đông; ông Jeff Roach – Phó Đại sứ Ôxtrâylia tại Việt Nam; ông Mike Greene – Giám đốc Quốc gia, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung; đại biểu đến từ các Bộ ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo các UBND Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương...
Hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp (DN), DN đã trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện Nghị quyết 19/2017; kết quả và những bài học kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 19 trong 3 năm qua.
Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã nêu 3 kiến nghị, trong đó có nêu một số nội dung có trong nghị quyết nhưng vẫn chưa được các Bộ có thẩm quyền xem xét sửa đổi.
Đầu tiên là về nội dung miễn kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP). Ngày 5/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP thông qua nội dung miễn kiểm tra nhà nước và công bố phù hợp an toàn thực phẩm (ATTP) với các nguyên-vật liệu, phụ gia, bao bì NK để sản xuất hàng XK, đã tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ rất nhiều cho các DN thủy sản nâng cao được năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực trong bối cảnh hiện nay.
Tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, ngày 6/2/2017 của Chính phủ cũng đã yêu cầu: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT và các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật an toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm.
Tuy nhiên, 6 năm qua, Nghị định 38/2012/NĐ-CP nảy sinh nhiều bất cập và ngày càng gia tăng liên quan đến quy định và thủ tục hành chính về công bố phù hợp quy định ATTP. Trong 2 năm từ 2015-2016, VASEP cũng đã gửi hơn 5 văn bản và nhiều buổi làm việc với đại diện Bộ Y tế về những vướng mắc này đối với các sản phẩm sản xuất để tiêu dùng tại thị trường nội địa.
Tại khoản 3, Điều 12 của Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Chính phủ quy định cụ thể việc đăng ký bản công bố hợp quy và thời hạn của bản đăng ký công bố hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn”.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó TTK VASEP phát biểu tại hội nghị
Tức là, các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện đăng ký bản công bố hợp quy với Cơ quan Nhà nước, DN tự chịu trách nhiệm với sản phẩm phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, từ Luật này xuống tới NĐ 38/2012 thì lại có thêm một quy định nữa là quy định phù hợp với quy định ATTP. Các quy định, quy trình về cấp giấy, cấp đổi lại… trong nghị định này không có trong Điều 12 của Luật ATTP và trong thông lệ quốc tế. Ngày 22/2/2017, VASEP cũng đã gửi Công văn số 26/2017/CV-VASEP tới Bộ Y tế báo cáo thực trạng và kiến nghị việc tháo gỡ các vướng mắc trong công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm sản xuất để tiêu dùng nội địa.
Thứ hai là về Luật phí và lệ phí chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017. Các DN thủy sản thi hành của 4 thông tư của Bộ Tài chính về những quy định về phí liên quan đến các DN thủy sản như: xác nhận nguyên liệu thủy sản, nguồn gốc nguyên liệu, phí cấp giấy chứng nhận ATTP theo yêu cầu của nước NK. Trong các thông tư này liên tục đề cập tới phí thẩm định nhưng theo nguyên tắc của Luật phí và lệ phí, thu đủ bù chi phí của dịch vụ công của Nhà nước và các đơn vị được ủy quyền thì đó mức phí, lệ phí này rất lớn. Ví dụ cụ thể ở một công ty chế biến cá ngừ cỡ trung bình trong năm 2016 họ đã phải làm 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu theo quy định thì một năm công ty sẽ phải chi trả thêm chi phí cho hoạt động trên 800 triệu đồng. Đây cũng mới chỉ tính 1 loại phí trong 1 thông tư.
Thứ ba về việc sửa đổi Luật Lao động năm 2012, ông Nam cho rằng, đó là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với một ngành sản xuất đặc thù với lực lượng lao động đông đảo và gặp nhiều khó khăn về thị trường và các nước đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… VASP kiến nghị cần sớm sửa Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước và tăng chỉ số cạnh tranh quốc gia.
Tại hội nghị này, trước một số băn khoăn, kiến nghị về các khoản thu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trước hết nên xem phí nào không có trong danh mục được quy định thì loại bỏ. Nếu loại phí đó có trong danh mục thì phải đảm bảo nguyên tắc chi phí và có lãi hợp lý, không thu trùng, thực hiện theo quản lý rủi ro.
Trong lĩnh vực hải quan, NQ 19 năm 2017 đặt ra những thách thức lớn. Trong khi các NQ năm 2014, 2015 tính thời gian thông quan theo ngày thì NQ năm 2017 tính theo giờ, giao cụ thể là 70 giờ với hàng xuất khẩu và 90 giờ với hàng nhập khẩu. Để thực hiện điều này, phải giải quyết những vướng mắc mà năm 2016 vẫn còn “nợ” DN, đó là còn tới 60 Nghị định và Thông tư chưa được sửa đổi.