Nghịch lý tăng lương tối thiểu: Việt Nam mất đầu tư, lao động giảm thu nhập!

(vasep.com.vn) Dự kiến tháng 7 tới, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có cuộc họp bàn chính thức về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo quan điểm của các DN, việc tăng lương tối thiểu trong những năm tiếp theo sẽ gây ra những tác động tiêu cực như làm tăng tổng chi phí, tăng chi phí lao động, giảm lợi nhuận, không mang lại lợi ích cho người lao động.

Theo trong phiếu điều tra dành cho đối tượng doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Châu Á, Châu Đại Dương của Tiểu ban lao động Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho thấy, 77,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, việc tăng lương gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, mức lương cao chỉ sau Trung Quốc và Indonesia đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Trong khi đó, chi phí mà chủ sử dụng lao động phải trả cộng với chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn trên mức lương tối thiểu đã vượt Philippines và tiến tới đuổi kịp Thái Lan. JBAV cho rằng, Việt Nam nên hoãn thời gian thực hiện lộ trình tăng lương vào năm 2017 và tập trung vào việc nâng cấp nền móng công nghiệp nhằm duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc tăng lương tối thiểu cao và liên tục sẽ dẫn tới 2 hậu quả ngay tức khắc. Một là, đánh mất lợi thế cạnh tranh lao động và giảm đầu tư nước ngoài. Nếu nhìn vào mức tăng lương tối thiểu cho người lao động Việt Nam trong 10 năm (2006-2016) là 530% (không tính tỷ giá hối đoái) và 350% (nếu tính tỷ giá hối đoái) để so với các nước láng giềng thì đây quả là mức tăng đến chóng mặt. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài FDI, ký các Hiệp định tự do thương mại thì đây là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi khi một nhà đầu tư đến với Việt Nam khi lên một kế hoạch dài hạn và nhìn vào con số tăng lương khủng khiếp thì chắc chắn không thể chần chừ.

Thứ hai, việc tăng lương này sẽ tác động trực tiếp lên tâm lý của người lao động, nhất là lao động phổ thông, lao động không có trình độ vì họ luôn có tâm lý chờ tăng lương chứ không phấn đấu để có tay nghề tốt hơn hay làm việc chăm chỉ hơn để lương cao hơn. Điều đó làm giảm động lực và năng suất lao động. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc rằng, thay vì việc tăng lương hàng năm thì đào tạo, nâng cao tay nghề, năng suất cho người lao động để thích nghi với yêu cầu hội nhập sắp tới.

Quan điểm của các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng Việt Nam thì Chính phủ nên giãn lộ trình tăng lương để tạo sức sống cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, để người lao động có thu nhập ổn định điều đầu tiên là phải duy trì được hoạt động sản xuất bình thường. Doanh nghiệp có ổn định thì người lao động mới ổn định, doanh nghiệp có phát triển thì người lao động mới có cơ hội tăng thu nhập. 

Theo ông Chu Văn An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (MINH PHU SEAFOOD CORP), việc tăng lương tối thiểu vùng là tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN, thậm chí còn giảm thu nhập của người lao động. Các mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và phí công đoàn càng tăng thì thu nhập của lao động càng giảm. Do đó, Chính phủ và Hội đồng tiền lương Quốc gia xem xét không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 vì khi tăng các vật giá thiết yếu với người lao động cũng tăng từ 20-30% trong khi lương thực nhận của người lao động lại giảm, đồng thời làm tăng chi phí đóng BHXH, phí công đoàn.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM