Thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP: Trái luật, không hiệu quả - Vì sao vẫn đề nghị tiếp tục áp dụng?

(vasep.com.vn) Trong 2 năm (2015 – 2016), VASEP đã liên tục phản ánh, kiến nghị trực tiếp lên Chính phủ về những vướng mắc, bất cập do các quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 (Nghị định 38) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm (ATTP), gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN thực phẩm. Đặc biệt là thủ tục xác nhận phù hợp các quy định ATTP cho thực phẩm bao gói sẵn đang được cho là trái với Luật ATTP và Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật (TC & QCKT), không phù hợp với thông lệ quốc tế, không giải quyết được các vấn đề thực tiễn và thực tế cho thấy không có tính hiệu quả đối với mục đích ATTP cho người tiêu dùng.

Tại Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết 103-2016/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo bãi bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tại Dự thảo 7 sửa đổi bổ sung Nghị định 38 mới nhất ngày 1/6/2017 do Cục An toàn Thực phẩm gửi lên Bộ Tư pháp (họp Hội đồng thẩm định ngày 9/6/2017) vẫn giữ nguyên thủ tục xác nhận phù hợp các quy định ATTP.

Quy định trái các Luật hiện hành

Theo Luật ATTP, tại điều 12 chỉ qui định phương thức đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm chế biến bao gói sẵn, không qui định phương thức “công bố phù hợp với quy định ATTP”.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật 2006 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan phải xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Nghị định 38 đã thực hiện 4 năm qua với quy định tại điều 3 và 4, việc các tổ chức, cá nhân phảu thực hiện công bố phù hợp ATTP với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đến khi có quy chuẩn tương ứng. Tuy nhiên, quy định này của Nghị định không thể dùng như “bước đệm” cho việc kéo dài chậm trễ của cơ quan nhà nước thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tạo gánh nặng cho xã hội bao gồm các cơ quan nhà nước quản lý về ATTP và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là DN.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật quy định tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng. Việc Cục ATTP thẩm xét và yêu cầu sửa đổi tiêu chuẩn sản phẩm của doanh nghiệp mà không dựa trên các văn bản pháp quy là trái với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật.  

Do không có tiêu chí thẩm xét rõ ràng, dẫn đến chất lượng thẩm xét kém, thiếu minh bạch: Nhiều cán bộ tự ý yêu cầu các doanh nghiệp sửa đổi các tiêu chuẩn của nhà sản xuất theo ý kiến chủ quan, không theo các văn bản pháp quy, thậm chí vô lý không thể thực hiện được. Việc này là trái với Nghị định 63/2010/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các cán bộ đưa ra các yêu cầu ngoài luật.

Không phù hợp với thông lệ quốc tế

Thực tế từ hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các nước tiên tiến (EU, Mỹ, Nhật Bản,…) không có phương thức xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Họ chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 2 hoạt động chính: kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm soát rủi ro (thanh tra/kiểm tra) theo từng loại sản phẩm, vùng, miền, thời gian cụ thể, theo các quy định của pháp luật.

Xu hướng trong quản lý an toàn thực phẩm của thế giới hiện nay là tập trung hướng đến kiểm soát quá trình là chính. Việc kiểm tra thành phẩm cuối cùng là hoạt động tự giám sát chất lượng của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thẩm tra, kiểm soát rủi ro, chứ không phải cào bằng kiểm tra tất cả các loại thực phẩm, trên tất cả các chỉ tiêu, không tính đến kiểm soát rủi ro, như việc cấp giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP ở Việt Nam hiện nay.

Tạo rào cản lớn cho sản xuất kinh doanh

Với các qui định, yêu cầu phức tạp, không rõ ràng, làm mất thời gian và tốn kém, thủ tục cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP đang được coi là một loại ”giấy phép con” tạo ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Về thời gian, Nghị định 38 quy định thời gian trả lời cho thủ tục này là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường; và 30 ngày làm việc (=1,5 tháng) với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng kể từ khi nộp đủ hồ sơ, nhưng thực tế sau 1,5 tháng doanh nghiệp thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung, và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét lại tính lại từ đầu (Phụ lục II). Với 3 lần công văn bổ sung là đã mất khoảng 2-4 tháng. Cộng thêm thời gian kiểm nghiệm khoảng 1 tháng (vì sản phẩm phải được kiểm nghiệm đạt chất lượng thì mới có phiếu kiểm nghiệm để nộp) là mất tới 3-5 tháng để được cấp giấy phép, làm mất nhiều cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Do không có các tiêu chí thẩm xét rõ ràng, thiếu minh bạch, các cán bộ thẩm xét tùy hứng bắt các doanh nghiệp bổ sung thêm đủ loại giấy tờ không có trong quy định, sửa đổi tiêu chuẩn theo quan điểm cá nhân khiến doanh nghiệp lúng túng nếu không thuê dịch vụ tư, trừ một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài có đội ngũ nhân viên chuyên đăng ký.

Tính phức tạp tăng lên nhiều lần vì một sản phẩm sản xuất trong nước có bao nhiêu nguyên liệu, phụ liệu, bao bì thì phải “cõng” từng đó giấy phép công bố, có thể lên tới hàng chục giấy phép con, vì không chỉ phải xin giấy phép cho sản phẩm, mà còn phải xin cho tất cả các nguyên liệu, mặc dù chúng chỉ sử dụng cho sản xuất nội bộ của doanh nghiệp. Ngay khi có thay đổi nhỏ của nguyên liệu cũng phải xin cấp phép nhập khẩu lại.

Không chỉ mất thời gian khi đăng ký lưu hành, cứ sau mỗi 3-5 năm lại phải xin xác nhận công bố lại, kể cả sản phẩm không có gì thay đổi và luôn luôn đạt chất lượng tốt. Khi xin xác nhận công bố lại, doanh nghiệp lại bị hành y như lần đầu, phải sửa tiêu chuẩn, mẫu mã, tùy hứng của cán bộ thẩm xét.

Không có hiệu quả trong việc cải thiện ATTP

Thực tế 5 năm qua cho thấy, dù ngành Y tế đã triển khai thực hiện công bố phù hợp với quy định ATTP nhưng các vụ việc về mất ATTP vẫn luôn là những vấn đề ”nóng” của xã hội chứ không giảm bớt, chứng tỏ hoạt động này là không hiệu quả để đảm bảo ATTP cho xã hội, trong khi lại gây thêm tốn kém thời gian và nguồn lực của xã hội và DN.

Từ đó có thể nhận định, thủ tục này không có ích lợi đáng kể gì trong việc cải thiện ATTP (vì ngay trong giấy xác nhận công bố, cơ quan cấp phép khẳng định không chịu trách nhiệm gì về chất lượng sản phẩm: doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm). Đối với các thực phẩm do các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP, ISO (kiểm soát chất lượng trong cả quá trình) và thực phẩm nhập khẩu (vì được kiểm tra chất lượng nhà nước khi nhập khẩu), thủ tục này hầu như hoàn toàn không có ý nghĩa.

Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016  của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội ngày 3/2/2017 cho biết: Tỷ lệ ngộ độc thực phẩm năm 2017 có tới 97,8% là do thức ăn trong bữa ăn hàng ngày (tại nhà, nhà hàng/khách sạn, đám cưới-lễ hội, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố), chỉ có 2,2% là do nguyên nhân khác (thực phẩm bao gói sẵn nằm trong nhóm này). Như vậy, nguy cơ ATTP do thực phẩm bao gói sẵn (là đối tượng của công bố hợp quy và công bố phù hợp an toàn thực phẩm) chỉ chiếm một phần rất nhỏ, và vì vậy, ý kiến cho rằng nếu bỏ thủ tục này sẽ dẫn đến nguy cơ mất ATTP là chưa chuẩn xác và không có cơ sở.  Hơn nữa, ngộ độc thực phẩm do các nguyên nhân khác ngoài bữa ăn hàng ngày năm 2011 (trước khi có NĐ 38) chỉ là 1,3%, đến năm 2016 tăng lên đến 2,2%, điều đó chứng tỏ các thủ tục xác nhận công bố phù hợp ATTP là có rất ít tác dụng (hoặc không có) đối với việc cải thiện ATTP.

Nghị quyết Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và kiến nghị của Chính phủ đều yêu cầu bãi bỏ

Ngày 5/12/2016 Chính phủ đã ra Nghị quyết 103-2016/NQ-CP trong đó công bố: “Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu, Chính phủ thống nhất cho phép DN được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong thời gian chưa sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ”

Tiếp sau đó, tại khoản d), mục 1), phần III Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 Chính phủ đã chỉ đạo: “….rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia; …; tách bạch hoạt động đánh giá sự phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước theo đúng quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và pháp luật liên quan theo hướng cơ quan quản lý nhà nước không cấp Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với việc kiểm tra chuyên ngành.”

Tại cuộc họp đối thoại ngày 13/5/2017 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, với sự tham gia của  VASEP, các DN thủy sản và một số Bộ ngành trong đó có Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã khẳng định: Kiến nghị thứ nhất của VASEP là đề nghị bãi bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP thì kiến nghị này hợp lý. Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn”. Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y Tế sửa đổi Nghị định 38 để trình Chính phủ bãi bỏ thủ tục xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã hứa thực hiện trong vòng 3 tháng. 

Tại Phụ lục I Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017  Tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016  của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội ngày 3/2/2017 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký đã khẳng định:

“+ Về công bố hợp quy và công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai trong thực tiễn. + Đây là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm” thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, cần chuyển sang áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm” (kiểm tra, thanh tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do cơ sở công bố áp dụng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp;

+ Biện pháp quản lý nêu trên không còn được sử dụng trong quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia trên thế giới;

Chính trong văn bản này Chính phủ đã kiến nghị “Đề nghị bỏ: Khoản 3 Điều 12 quy định “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”; Khoản 1 Điều 18 quy định “Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường” đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Điểm a, Khoản 1 Điều 38 quy định “Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu” đối với thực phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, Nghị quyết của Chính phủ, ý kiến của Phó Thủ tướng và kiến nghị tại báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát của Quốc hội và cam kết của Thứ trưởng Bộ Y tế về việc bãi bỏ thủ tục công bố phù hợp ATTP đến nay chưa được thể hiện trong bản dự thảo 7 sửa đổi Nghị định 38/2012 do Bộ Y tế chủ trì sửa đổi gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Lý do gì mà Bộ Y tế vẫn tiếp tục đề nghị áp dụng trong bối cảnh hiện nay?

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM