(vasep.com.vn) Có tới 25/28 Điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đó, Bộ Y tế đã quyết định xây dựng nghị định hoàn toàn mới thay thế NĐ 38/2012 trình Chính phủ. Tại cuộc họp xin ý kiến về một số nội dung của dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 mà Bộ Y tế tổ chức vào ngày 27/11/2017, nhiều Hiệp hội, DN cho rằng, với cách tiếp cận vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thông thoáng, nâng cao ý thức trách nhiệm của DN, Nghị định thay thế này được coi là “cuộc cách mạng” về phương thức quản lý.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo Nghị định mới thay thế NĐ 38/2012 được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Thứ nhất, dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 được xây dựng căn cứ vào Luật ATTP, trong đó mục tiêu then chốt là đảm bảo sức khỏe của người dân. Trước đây, tất cả các sản phẩm kể cả sản phẩm bao gói sẵn, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia sản xuất thực phẩm phải có xác nhận của Cơ quan quản lý Nhà nước thì nay doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản công bố đó.
Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, đặc biệt sẽ nâng cao mức độ xử phạt.
Thứ hai là cải cách tối đa về thủ tục hành chính. Theo dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 sẽ có 8 nhóm sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK. Chỉ có 3 nhóm sản phẩm thuộc đối tượng phải đăng ký bản công số sản phẩm là: (1) Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; (2) Thực phẩm dinh dưỡng y học và (3) Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Ông Long dẫn chứng thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế TW, ước tính sẽ có trên 90% sản phẩm thực phẩm không cần phải thực hiện các thủ tục hành chính như hiện nay. Nhà nước sẽ tiết kiệm được khoảng 4,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng cho việc tự công bố.
Thứ ba là đổi mới về điều kiện sản xuất, ATTP. Nghị định mới thay thế NĐ 38/2012 sẽ tiếp cận với phương thức quản lý của thế giới. Đối với những DN đã đạt tiêu chuẩn HACCP, GMP, đạt các chứng chỉ ISO quốc tế sẽ không phải có giấy xác nhận về ATTP.
Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm. “Tất cả quy định mới này nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính. Song để triển khai hiệu quả mà vẫn đảm bảo ATTP, sẽ phân cấp triệt để cho chính quyền các địa phương”
Thứ tư là thay đổi căn bản về kiểm tra nhà nước về ATTP. Nếu trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra, chẳng hạn như các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Phương thức kiểm tra cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sở trên tổng số lô hàng do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên... Với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên thì tới đây, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Thứ năm về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng, quản lý sản xuất theo chuỗi từ đầu đến cuối. Đồng thời ba Bộ sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Ví dụ, khoảng 19 nhóm hàng nông lâm thủy sản do Bộ NN&PTNT quản lý, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý 8 nhóm hàng phụ gia thực phẩm hỗ hợp có công dụng mới, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Bộ Công Thương cũng quản lý 8-9 nhóm hàng.
Riêng với một số doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý.
“Với những đổi mới “cách mạng” kể trên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương thì nếu Nghị định mới này được thông qua, khi thực hiện chúng ta sẽ tiết kiệm được 12 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng” – Ông Long nói.
Tại cuộc họp này, đại diện VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP đánh giá cao nội dung của bản dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012. Đây cũng là những nội dung mà VASEP kiến nghị trong suốt 2 năm qua.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP đánh giá, đây là 'cuộc cách mạng' về phương thức quản lý ATTP
Tuy nhiên, để đảm bảo việc thông suốt, tránh gặp vướng mắc trong khâu thực thi Nghị định mới, nhất là phía dưới các địa phương và cơ sở, ông Nam kiến nghị Bộ Y tế cần quy định chi tiết và rõ ràng hơn khoản 7, Điều 13 về các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm NK.
Tại Khoản 7, Điều 13 của dự thảo Nghị định thay thế NĐ 38/2012 chỉ quy định: “Sản phẩm NK chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở”. Nhưng nội dung này chưa thực sự rõ ràng và dễ hiểu.
Tại nhiều kiến nghị trước đó, VASEP đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét sớm sửa đổi quy định này tại Nghị định 38/2012 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để trình Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ bất cập khó khăn cho ngành hàng sao cho hàng nhập khẩu cho SXXK, gia công hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, gia vị, bao bì) không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP.
Tại Điều 3, Nghị quyết số 103/NQ-CP (NQ103) về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016 cũng nêu rõ: “Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu, Chính phủ thống nhất cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Trong thời gian chưa sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ.”
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, phạm vi của Nghị định mới thay thế NĐ 38/2012 còn bao hàm nội dung rộng hơn cả tại NQ103, bởi vì trong Nghị quyết này chỉ có yêu cầu hàng NK để gia công, XK mới được miễn kiểm tra nhưng trong nghị định mới, dù DN có NK hàng về để phục vụ XK hay sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nội địa thì đều được miễn kiểm tra.