Thủ tục “Công bố phù hợp quy định ATTP” liệu có phải là “vấn đề cần thiết”?

(vasep.com.vn) “Công bố phù hợp quy định ATTP” quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ – CP là một quy định không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật ATTP. Hơn thế, thủ tục “Công bố phù hợp quy định ATTP” đang được đánh giá là một thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy đinh này.

Tuy nhiên, theo thông tin từ đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) tại Hội thảo ngày 20/12/2017 tại Tp. Hồ Chí Minh về cải cách quy định về quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và An toàn thực phẩm theo tinh thần Nghị quyết 19, thì, áp dụng khoản 3 điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, vấn đề này sẽ được đưa vào Tờ trình Chính phủ đề nghị xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho duy trì quy định này. Theo Luật Ban hành văn bản QPPL thì những “vấn đề cần thiết” nhưng thuộc thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH thì Chính Phủ phải xin ý kiến UBTVQH trước khi ban hành. Nhưng đây có thực sự là “vấn đề cần thiết” hay không là vấn đề cần được trao đổi.

Tình trạng mất ATTP và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có giải pháp tăng cường sự quản lý của nhà nước. Nhưng tăng cường quản lý nhà nước không có nghĩa là duy trì quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP”, bởi qua hơn 5 năm thực hiện quy định này cho thấy, đây tuyệt nhiên không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước.

Về thực trạng:

Theo Báo cáo số 37/BC – CP ngày 3/2/2017 (trang 13) của Chính phủ báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội về ATTP, tỷ lệ các lô hàng NK có nguồn gốc thực vật, động vật và thực phẩm thuộc diện Bộ Y tế (BYT) quản lý có chỉ tiêu không đạt mức quy định lần lượt chỉ là 0,83%, 0,79% và 0,18%. Nhưng trong số này, không phải tất cả đều không đạt, mà chỉ một phần rất nhỏ các trường hợp không đạt, phải tiêu huỷ, tái xuất, còn phần lớn hơn, sau khi “tái chế”, vẫn được tiêu thụ bình thường hoặc “chuyển đổi mục đích sử dụng” (không rõ BYT có tổ chức giám sát việc sử dụng thực tế không, hay chỉ ra quyết định mà không theo dõi, và nếu như vậy thì quyết định này không có giá trị bảo vệ người tiêu dùng).

 Đánh giá về “các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm”, tại trang 35 của Báo cáo số 37/BC-CP kể trên, không ghi nhận bất cứ yếu tố nào liên quan đến thực phẩm NK chính ngạch và thực phẩm chế biến công nghiệp. Ngược lại, báo cáo nêu rõ “tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể”.

Mặc dù vậy, về biện pháp quản lý, BYT dường như chỉ tập trung vào khu vực thực phẩm NK chính ngạch và thực phẩm chế biến công nghiệp – những khu vực có nguy cơ thấp (bằng chứng là các quy định rất khắt khe, thủ tục rất phức tạp, tốn kém), nhưng lại quản lý chưa đúng mức với thực phẩm đường phố, bếp ăn tập thể, bếp ăn khu công nghiệp – những khu vực có nguy cơ mất ATTP rất cao (bằng chứng là quy định sơ sài, kiểm soát lỏng lẻo, để xảy ra rất nhiều vụ NĐTP ngộ độc thực phẩm ở khu vực này).

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng: Với cách thức quản lý nêu trên, không những người tiêu dùng không được bảo vệ, mà còn bị thiệt hại do giá hàng NK, giá thành sản xuất phải gánh chịu thêm những khoản chi phí đáng kể từ thủ tục quản lý rườm rà, phức tạp, kiểm tra tràn lan, quá mức cần thiết nhưng không hiệu quả.

Sự bất hợp lý trong cách quản lý nêu trên khiến các doanh nghiệp và dư luận phân vân liệu đích thực thì BYT đang thực sự lo lắng cho sự an toàn của người tiêu dùng hay quan tâm đến vấn đề nào khác?

Về sự cần thiết duy trì quy định Công bố phù hợp quy định ATTP:

Chính quy định Công bố phù hợp quy định ATTP tại NĐ 38 đã là cái cớ để BYT không tích cực xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc quản lý (tại thời điểm xây dựng Báo cáo 37/BC – CP mới có 105 QCVN trong số hàng nghìn mặt hàng đang phải làm thủ tục công bố hợp quy/công bố phù hợp ATTP, trong đó của BYT chỉ có 54 QCVN, còn lại là của Bộ NNPTNT) dẫn tới tình trạng quản lý tuỳ tiện và không minh bạch. 

Do không có chuẩn (QCVN) nên thế nào là “phù hợp quy định ATTP” hoàn toàn tùy thuộc sự giải thích của Cục An Toàn Thực Phẩm (“ VFA ”) trực thuộc BYT.Thậm chí, như phản ánh của doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào sự giải thích của mỗi chuyên viên VFA, doanh nghiệp không biết làm thế nào để tuân thủ, dẫn đến thời gian hoàn thành việc công bố kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều tháng với chi phí nhiều và không thể tính trước được (theo phản ánh của doanh nghiệp, luôn phải có khoản “ nằm ngoài chi phí giấy tờ chính thức”). 

Thực tế cho thấy, việc Công bố phù hợp quy định ATTP (và cả công bố hợp quy) không hề tăng cường hiệu quả quản lý (Phụ lục văn bản số 37/BC – CP đánh giá “công bố hợp quy và công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai trong thực tiễn”), chỉ mang tính hình thức, không thực chất (Phụ lục văn bản số 37/BC – CP đánh giá “ngành Y tế đang chủ yếu dựa vào hồ sơ đăng ký để cấp giấy xác nhận công bố”), nhưng lại gây rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp). 

Kiến nghị: 

Quy định Công bố phù hợp quy định ATTP tại NĐ 38 là quy định ngoài Luật ATTP. Thực tiễn cho thấy việc Công bố phù hợp quy định ATTP không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý. Vì vậy, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng do sự trì trệ của BYT và các Bộ liên quan khác nên chưa có QCVN, cần có giải pháp trước mắt. Để xử lý bất cập này, đề nghị Chính Phủ, một mặt, yêu cầu các Bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN; mặt khác, giao BYT và các Bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó. Các doanh nghiệp sản xuất, NK thực phẩm căn cứ các quy định đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra. Doanh nghiệp hoàn toàn không phải làm thủ tục công bố tại VFA./.

(Phạm Thanh Bình - Chuyên gia dự án USAID-GIG)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM