Thủ tục “công bố”: Nỗi khổ của doanh nghiệp thực phẩm

(vasep.com.vn) Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm trong đó có quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đang là một gánh nặng đối với các DN thực phẩm vì những thủ tục không phù hợp thực tiễn, gây tốn kém thời gian, công sức của DN.

Khổ vì thuật ngữ không rõ nghĩa khiến sản phẩm nào cũng phải “công bố”

Thực tế áp dụng thực hiện NĐ 38 cho thấy, việc thi hành luật tại các cơ quan ban ngành cũng như DN còn một số vướng mắc gây lãng phí và khó khăn trong việc hiểu và áp dụng. Cụm từ “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn” trong NĐ 38 không có định nghĩa rõ ràng dẫn đến được hiểu là sản phẩm nào cũng sẽ thuộc phạm vi bắt buộc phải công bố hợp quy/phù hợp. Cụm từ "đã qua chế biến bao gói sẵn" theo qui định phải được hiểu là gồm 2 hoạt động chế biến và bao gói sẵn hay được hiểu là chỉ cần 1 trong 2 hoạt động chế biến hoặc bao gói sẵn?

Nhiều DN gặp khó, vì khách hàng của họ (đặc biệt là các siêu thị, chuỗi bán lẻ, chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn) không hiểu rõ khái niệm này, nên để chắc chắn, họ luôn luôn yêu cầu giấy tiếp nhận/xác nhận công bố đối với bất kể sản phẩm nào, thì mới mua hàng. Nếu không có thì họ sẽ không mua. Việc này khiến  hoạt động kinh doanh trì trệ và làm mất lợi thế cạnh tranh của DN.

Vì khái niệm không rõ ràng này, DN đang trông chờ Bộ Y tế khi sửa đổi NĐ 38 cần đưa ra định nghĩa rõ ràng để cơ quan ban ngành và DN áp dụng đúng, đồng thời có ví dụ hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn.

Mệt mỏi vì thủ tục hồ sơ phức tạp

Trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật (Luật QC&TCKT), việc cấp giấy tiếp nhận hợp quy chỉ là thủ tục tiếp nhận kết quả đánh giá sản phẩm đã được kiểm nghiệm đạt quy chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, trong NĐ 38, kết quả đánh giá sản phẩm đã đạt quy chuẩn chất lượng chỉ được coi là 1 đầu mục trong hồ sơ. DN phải chịu rất nhiều các thẩm xét hành chính khác mà không rõ tiêu chí và cơ sở pháp lý, ví dụ:

-        Hồ sơ tiếp nhận hợp quy (bên thứ nhất) trong NĐ 38 gồm 8 mục trong khi Luật QC&TCKT chỉ gồm 6 mục. Thực tế thẩm xét ngoài 8 mục trên, Cục ATTP còn yêu cầu thêm rất nhiều giấy tờ khác, ví dụ Hợp đồng in nhãn tiếng Việt, mẫu nhãn, mẫu sản phẩm, giấy phép lưu hành tự do (với sản phẩm nhập khẩu), bản gốc của chứng chỉ VILAS, hợp đồng với nhà phân phối…khiến các DN rất khó khăn vì không biết hồ sơ thế nào là đủ và nhiều khi không thể thực hiện được.

-        Biểu mẫu trong NĐ 38 (Bản thông tin chi tiết về sản phẩm) cũng khác và thêm rất nhiều yêu cầu không có trong Luật QC&TCKT (Bản mô tả sản phẩm).

-        Luật TC & QCKT quy định nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy tiếp nhận, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý thông báo các nội dung chưa phù hợp để DN bổ sung. Trong khi đó, Nghị định 38 lại yêu cầu DN nộp đầy đủ các hồ sơ rồi mới thẩm xét, đưa yêu cầu bổ sung nhiều lần và các yêu cầu bổ sung này thường đều không có trong quy chuẩn (mỗi lần bổ sung lại tính lại thời gian từ đầu) rồi mới được cấp giấy tiếp nhận (thực chất là Giấy phép con: Giấy đăng ký).

Giống thủ tục cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP, thủ tục thông báo tiếp nhận tiếp nhận công bố hợp quy trong NĐ 38 đã bị biến tướng, không còn là thủ tục tiếp nhận nữa, mà trở thành thủ tục đăng ký, kiểm tra, thẩm xét rồi cấp giấy – đang có quy trình và điều kiện như một ”Giấy phép con” tạo ra vô vàn khó khăn cho DN.

Vì vậy, DN đề nghị đơn giản hóa thủ tục xin cấp phép nhập khẩu/đăng ký hợp quy các nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì nhập khẩu dùng cho sản xuất nội bộ của DN, không bán ra thị trường như sau: Không phải công bố hợp quy/chứng nhận hợp chuẩn với các nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì nhập khẩu dùng cho sản xuất nội bộ của DN, không bán ra thị trường. Thủ tục xin cấp phép nhập khẩu chỉ cần: Tên nguyên liệu kèm mã số quốc tế (nếu có); Tên, địa chỉ nhà cung cấp; Tiêu chuẩn nguyên liệu (của nhà sản xuất); và Cam kết của DN chỉ sử dụng nội bộ cơ sở sản xuất, chịu trách nhiệm về chất lượng và đáp ứng các quy định về ATTP.

Mất nhiều thời gian và công sức vì thời gian thẩm định và xử lý hồ sơ kéo dài

Thời gian trả lời DN kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định trong NĐ 38 là 7 ngày làm việc, nhưng thực tế từ 2 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm thời gian để được cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy mất 2-3 tháng hoặc lâu hơn nữa kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, và phải trải qua nhiều lần bổ sung hồ sơ, mỗi lần thường yêu cầu lại khác nhau. Sơ đồ quy trình rất phức tạp trong Thủ tục xin Giấy phép công bố Hợp quy, phù hợp với quy định ATTP với nhiều lầ DN phải nhận công văn yêu cầu bổ sung (mỗi công văn lại yêu cầu những vấn đề khác nhau chứ không tổng hợp lại thành 1 công văn).

Thực tế đã có DN nộp hồ sơ tại địa phương (hồ sơ giấy), từ ngày nộp lần đầu, bị trả lại hồ sơ và thông báo không đạt, nộp lại hồ sơ lần 2 tính đến ngày được hẹn trả hồ sơ lần 2 mất  khoảng 1 tháng rưỡi (45 ngày) nhưng DN vẫn chưa biết kết quả là có được cấp Giấy Xác nhận hay không. Trong các điểm cần điều chỉnh, bổ sung hồ sơ có những nội dung DN làm giống như các bộ hồ sơ trước đã được duyệt nhưng bộ hồ sơ sau nhân viên khác kiểm tra hồ sơ thì lại đưa ra lỗi khác yêu cầu DN phải hoàn thiện.

Đối với việc nộp hồ sơ online tại Cục An toàn Thực phẩm (VFA), qui trình làm công bố online của VFA còn nhiều bất cập, kéo dài thời gian bởi những thủ tục không cần thiết trên hệ thống. Thực tế, hồ sơ trải qua quy trình qua văn thư, chuyên viên, các cấp thẩm xét rồi quay trở lại…  Khi DN bị chỉnh sửa phải làm lại công bố đã chỉnh sửa thì qui trình lại quay lại từ đầu như khi nộp hồ sơ mới và quay lại các cấp thẩm tra như từ đầu. Như vậy, không tính thời gian thẩm tra và xử lý như nêu trên, qui trình online này cũng làm tăng thêm đáng kể thời gian một bộ hồ sơ được phê duyệt. Vì thế, đã có những trường hợp xin giấy tiếp nhận hợp quy mất hơn 4 tháng thay vì 7 ngày làm việc như quy định của Luật TC & QCKT mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ.

Các tiêu chí để thẩm xét cũng không rõ ràng, không có căn cứ pháp lý, thậm chí vô lý, khiến việc hiểu và đáp ứng được yêu cầu của cơ quan thẩm xét rất khó khăn. Cộng thêm thời gian kiểm nghiệm và xin chứng nhận hợp quy khoảng 2 tháng (vì sản phẩm phải được kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy, tức đạt chất lượng theo quy chuẩn, thì mới có hồ sơ để  xin tiếp nhận chứng nhận hợp quy).

Như vậy, thời gian để kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy + thời gian để cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy của nhiều sản phẩm mất tới 4-5 tháng. Do vậy, nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm DN mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Vì sự trì trệ này, DN kiến nghị sửa đổi NĐ 38 về thủ tục công bố hợp quy cần: Quy định thêm tổng thời gian xử lý hồ sơ tính trên tất cả các lần điều chỉnh sửa đổi, VD không quá 30 ngày. Đặc biệt, cần bổ sung thêm Trách nhiệm của Cơ quan chức năng nếu thời gian hồ sơ quá hạn phê duyệt hoặc ra sửa đổi bổ sung; Quy định chỉ thông báo sửa đổi bổ sung một lần cho tất cả các điểm cần sửa; và xem lại qui trình thẩm tra hồ sơ rút gọn hơn qua các cấp phê duyệt.

Xin mời xem thêm những vướng mắc của DN khi thực hiện thủ tục công bố tại Phụ lục công văn số 75/2017/CV-VASEP về góp ý & kiến nghị các nội dung tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP về ATTP.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM