Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP: Đề nghị bãi bỏ thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP

(vasep.com.vn) Đối với cộng đồng Doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam, trong thời gian qua, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm được coi là nghị định “nóng” nhất vì có nhiều vấn đề bất cập, không chỉ đối với DN sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản mà cả các ngành thực phẩm khác. Trong đó, bất cập lớn nhất, gây khó cho DN là thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP).

Thủ tục cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP đã và đang tạo ra không ít khó khăn cho các tổ chức, cá nhân. Theo quy định tại khoản 4, Điều 4, Nghị định 38/2012/NĐ-CP, việc chờ đợi ít nhất 15 ngày làm việc để được cấp “Giấy xác nhận” đang có tính chất tạo thêm một “Giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Hơn nữa, hiện nay phương thức quản lý ATTP của nhiều nước trên thế giới (EU, Mỹ, Nhật Bản,…) không có phương thức tương tự và các nước chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 3 hoạt động chính: đánh giá điều kiện sản xuất, lấy mẫu phân tích và thanh, kiểm tra.

Năm 2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VASEP đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Bộ Y tế và Chính phủ đề nghị điều chỉnh về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đúng theo quy định tại Điều 12 của Luật ATTP và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ như Nghị quyết số 103-2016 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Theo đó, kiến nghị đầu tiên của Hiệp hội là cần “bãi bỏ quy định “công bố phù hợp quy định ATTP”, vì luật ATTP không hề có quy định này”.

Kết quả là, ngày 05/12/2016, tại Nghị quyết số 103/NQ-CP Chính phủ thống nhất cho phép doanh nghiệp được miễn kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm, công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Nghị quyết 103 đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, gia công thực phẩm xuất khẩu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định, thủ tục khác đang tạo ra những bất cập lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Ngày 3/2/2017, Chính phủ đã có Báo cáo số 37/BC- CP về việc tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011 – 2016 gửi đoàn giám sát của Quốc hội. Tại phụ lục của Báo cáo đã nêu rõ: công bố hợp quy và công bố phù hợp với ATTP là không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai thực tiễn, cũng như không còn được sử dụng trong quản lý ATTP của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo đề nghị bỏ một số điều khoản liên quan trong Luật ATTP 2010 về công bố hợp quy, đồng thời báo cáo khẳng định cồn bố phù hợp quy định ATTP trong Nghị định 38/2012 là nội dung chưa được quy định trong Luật ATTP và đề nghị sửa đổi Nghị định để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Tại cuộc họp đối thoại ngày 13/5/2017 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, với sự tham gia của  đại diện các DN thủy sản và các  Bộ Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, đại diện Bộ Y tế cũng đã đồng ý với kiến nghị quan trọng của VASEP là bãi bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP vì quy định này không có trong Luật ATTP. (Xem tại: http://vasep.com.vn/doi-thoai-ba-bo-va-vasep-go-kho-cho-doanh-nghiep-thuy-san-3998.html).

Như vậy, từ nhận định, chủ trương của Chính phủ cùng với khẳng định của Bộ y tế tại cuộc họp ngày 13/5/2017, việc sửa đổi Nghị định 38 theo hướng bãi bỏ quy định “công bố phù hợp ATTP là việc cần thiết và cần áp dụng ngay.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012  (Dự thảo NĐ) về cơ bản, chưa giải quyết được các vấn đề cần tháo gỡ và đã được nêu trong các NQ 19/NQ-CP (mới thực hiện NQ 103/2016/NQ-CP). Trong khi chờ sửa luật ATTP, trước mắt có một số điểm cơ bản cần sửa lại tại Dự thảo NĐ này:

1. Đề nghị bãi bỏ quy định “công bố phù hợp quy định ATTP”, vì luật ATTP không hề có quy định này. Chính vì có quy định này tại NĐ 38 mà BYT nói riêng, các Bộ có chức năng về quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các QCVN cần thiết, cứ để cho phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý bằng quy định này. Vì không có chuẩn (QCVN) nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của VFA, gây vô vàn khó khăn cho DN.

Cụ thể: Đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Điều 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.

2. Trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc mất nhiều chi phí và thời gian là kiểm nghiệm. Theo dự thảo NĐ thì, dù là tự công bố, DN vẫn phải tiến hành kiểm nghiệm và phải kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được BYT/Bộ QLCN chỉ định. Tức là, về cơ bản, chẳng khác gì việc công bố trên cơ sở chứng nhận hợp quy.

Đề nghị quy định, trường hợp DN tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do DN quyết định. Nếu có cơ sở để tin rằng sản phẩm đáp ứng QCVN (ví dụ sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng, sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch, người NK đã trực tiếp kiểm tra từ gốc…) thì không nhất thiết phải kiểm nghiệm.

3. Vấn đề kiểm tra từng lô hàng NK: Theo quy định hiện hành, từng lô hàng NK lại phải kiểm tra, trong đó, đối với sản phẩm động vật hoặc có chứa sản phẩm động vật còn chịu 2 loại kiểm tra là kiểm dịch thú y (Bộ NNPTNT quản lý) và kiểm tra ATTP. Quy định này quá phức tạp, gây tốn kém không cần thiết cho DN.

Trong khi chưa sửa Luật ATTP, căn cứ yêu cầu của NQ 19 về áp dụng quản lý rủi ro, chế độ DN ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu, đề nghị bổ sung vào khoản 2 (Các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu) Điều 14 NĐ 38 nội dung sau:

g) Miễn kiểm tra đối với sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: đã công bố hợp quy, do người có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật ATTP nhập khẩu, mặt hàng quen thuộc, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu không có các dấu hiệu, thông tin về rủi ro ATTP. Việc kiểm tra được thực hiện tại khâu lưu thông.

h) Miễn kiểm tra hoặc không kiểm tra tại khâu thông quan, thực hiên kiểm tra tại khâu lưu thông đối với sản phẩm, hàng hoá chế biến sâu, bao gói công nghiệp.

4. Đề nghị quy định rõ nội hàm 3 phương thức kiểm tra, không để mỗi Bộ quy định mỗi khác như hiện nay. Đồng thời quy định điều kiện, thủ tục xét áp dụng phương thức kiểm tra giảm một cách đơn giản để nhiều mặt hàng đã được kiểm tra được áp dụng phương thức kiểm tra này (hiện nay thủ tục rất phức tạp, tỷ lệ mặt hàng được áp dụng vô cùng nhỏ, thời gian được áp dụng quá ngắn).

5. Đề nghị bổ sung vào Điều 15 quy định với nội dung: Áp dụng chế độ kiểm tra tại nguồn, tại gốc (kiểm tra các giai đoạn nuôi trồng, chế biến tại nước sản xuất, nước xuất khẩu). Chế độ này áp dụng cho những DN có nhu cầu và trả chi phí cho việc kiểm tra.

6. Vấn đề quản lý, kiểm tra chồng chéo: Hiện nay, phần lớn các sản phẩm thực phẩm chịu sự quản lý của nhiều hơn 1 Bộ (nhất là kiểm tra ATTP của  BYT và kiểm dịch thú y của BNNPTNT).

Đề nghị quy định một mặt hàng vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra ATTP thì giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện. Giao cho cơ quan kiểm dịch sẽ là hợp lý, bởi, cùng với Hải quan và Biên phòng, cơ quan này luôn luôn trực tiếp tại cửa khẩu (hiện Bộ NNPTNT đã giao cho cơ quan kiểm dịch thực hiện car kiểm dịch và ATTP).

7. Vấn đề hợp pháp hoá lãnh sự các chứng chỉ: Quy định này trái các hiệp định tự do thương mại VN đã ký kết (TF/WTO, EVFTA, TPP). Đề nghị bãi bỏ quy định này.

Nhân đây đề nghị nghiên cứu làm rõ các trường hợp ngộ độc thực phẩm vừa qua, có bao nhiêu % do thực phẩm NK, thực phẩm được chế biến công nghiệp? Hay chỉ là do các loại thực phẩm nuôi trồng, chế biến thủ công? Trên cơ sở thực tiễn đó, xây dựng các quy định cho phù hợp, khắc phục tính trạng quản lý vừa lỏng, vừa quá mức cần thiết hiện nay.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM