Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã chỉ đích danh giấy phép con có tên là “Đăng ký bản Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”.
Trong bản tổng hợp ý kiến đóng góp của EuroCham tới VBF giữa kỳ 2017, yêu cầu “đăng ký bản Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm), đối với các sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) là loại giấy phép con.
“Doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp Giấy Xác nhận. Yêu cầu này mâu thuẫn với Khoản 1a Điều 7 của Luật An toàn thực phẩm”, ông Tomaso Andreatta khẳng định.
Theo điều này, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có quyền quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp.
Đặc biệt, yêu cầu này cũng bị các doanh nghiệp của EuroCham đánh giá là trái với Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, khi quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP vượt qua nội dung được giao trong Luật An toàn thực phẩm.
Điều đáng nói là Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang được sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Song, các doanh nghiệp lo ngại vì quy định về giấy phép con nêu trên vẫn được giữ nguyên.
Trên thực tế, yêu cầu đăng ký giấy phép con nói trên đã gây nên rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm cản trở rất lớn tới quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa trong khi không mang lại giá trị thực tiễn về quản lý an toàn thực phẩm.
Thậm chí, việc Bộ Y tế cho rằng cần có đăng ký công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm vì có rất nhiều sản phẩm thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng được phản biện là không đúng.
Các văn bản được EuroCham viện dẫn là Công văn số 770/2017/BKHCN-TĐC do Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Bộ Y tế yêu cầu xây dựng quy chuẩn quốc gia theo nhóm đối tượng quản lý (phù hợp với thông lệ quốc tế) và tập trung vào các chỉ tiêu an toàn, chứ không tách riêng từng sản phẩm để xây dựng quy chuẩn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng cho rằng, các quy định chung về mức, chỉ tiêu, yêu cầu liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sức khoẻ con người (như kim loại nặng, các chất ô nhiễm, vi sinh vật...) đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 2011.
Đây là lý do các doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu đăng ký công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với thực phẩm khi các sản phẩm này đều bắt buộc phải đáp ứng các quy định chung liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, không mang lại bất cứ giá trị thực tiễn nào.
“Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ chỉ định và Bộ Y tế xem xét gỡ bỏ quy định này khỏi Nghị định 38 sửa đổi, đảm bảo thống nhất với Luật An toàn Thực phẩm và tinh thần của Nghị quyết 19 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Tomaso Andreatta kiến nghị tại VBF giữa kỳ 2017.
(Theo báo Đầu tư)