(vasep.com.vn) Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 267/TB-VPCP ngày 31/8/2016 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã chuẩn bị Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, để đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Và tại Hội thảo “Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về quản lý chuyên ngành” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng tưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Tp.HCM ngày 3/10/2016, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra bản đề xuất này.
Trong đó, Bộ đưa ra các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 03 Luật liên quan đến quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là: (1) Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006); (2) Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007); và (3) Luật an toàn thực phẩm (số 55/2010/QH12 ngày 7/6/2010).
Theo Bộ KH&ĐT, thực tiễn cho thấy công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu đang là trở ngại lớn, gây nhiều khó khăn, bức xúc, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Đó cũng là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” (trading across border); và đi ngược với những cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Việt Nam – EU FTA. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm cải cách hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhất là trong 3 năm qua kể từ khi thực hiện Nghị quyết 19 (ngày 18/3/2014, ngày 12/3/2015 và ngày 28/4/2016).
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2016 rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4 (tương ứng 56 giờ đối với hàng xuất khẩu và 73 giờ đối với hàng nhập khẩu); và giảm tỷ lệ hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan xuống còn 15% (hiện nay khoảng 30-35%). Mục tiêu này đã gần với yêu cầu theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do như TPP (thời gian từ khi hàng đến cho tới khi giải phóng hàng không quá 48 giờ). Tuy nhiên, kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục hải quan cho thấy thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, và 72% là thời gian thực hiện các thủ tục về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo kết quả khảo sát mới đây, trung bình thời gian thông quan hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại một số cửa khẩu lớn là 19-20 ngày.
Kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu còn nhiều hạn chế, một phần do vướng mắc trong các quy định của các Bộ, ngành và trong cả các quy định của Luật. Do đó, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật này cũng là yêu cầu cấp bách để thực hiện các cam kết của Việt Nam về tự do hoá đầu tư, thương mại theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, Việt Nam – EU FTA.
Trong đó, Bộ KH&ĐT góp ý về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật an toàn thực phẩm (số 55/2010/QH12 ngày 7/6/2010)
Theo quy định tại các Điều 38 (Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu), Điều 39 (Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu), và Điều 40 (Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu) Luật an toàn thực phẩm cho thấy một số bất cập như:
Từng cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố hợp quy; vừa phải thực hiện thủ tục hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng; việc kiểm tra lặp đi, lặp lại nhiều lần đối với cùng một sản phẩm;
Việc giám định/kiểm nghiệm và việc cấp thông báo xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu do hai cơ quan/tổ chức khác nhau thực hiện; tất cả các lô hàng đều phải kiểm tra trước, thông quan sau;
Không quy định nội hàm các phương thức kiểm tra dẫn đến cùng một phương thức kiểm tra do Luật an toàn thực phẩm quy định nhưng 3 Bộ (gồm Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại quy định các nội dung khác nhau, dẫn tới hệ thống thủ tục nặng nề, rườm rà, nhiều công đoạn, qua nhiều cơ quan/đơn vị, gây tốn kém về thời gian, chi phí của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, và tạo cơ hội cho tiêu cực, phiền hà, hiệu quả quản lý thấp. Mặc dù thủ tục kiểm tra rất phức tạp nhưng tỷ lệ các trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn quy định rất thấp, chưa đến 1%. Điều này cho thấy quy định kiểm tra như hiện nay là quá mức cần thiết, hiệu quả quản lý thấp.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị, bãi bỏ những quy định không cần thiết, không đem lại hiệu quả quản lý; đơn giản hoá thành phần hồ sơ, quy trình, thủ tục. Cụ thể là:
- Bãi bỏ quy định yêu cầu vừa thực hiện hợp quy, vừa kiểm tra lô hàng;
- Thực hiện hợp quy theo sản phẩm thay vì hợp quy theo chủ hàng như hiện nay;
- Thay đổi cách thức một tổ chức kiểm tra, một cơ quan cấp thông báo bằng việc đơn vị thực hiện kiểm tra cũng là đơn vị cấp thông báo;
- Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra; quy định cụ thể tiêu chí, nội hàm từng phương thức kiểm tra, trong đó có việc miễn kiểm tra (tương tự như đã áp dụng 3 luồng xanh, vàng, đỏ trong thủ tục hải quan).
Tại Hội thảo “Đối thoại Chính sách, quản lý An toàn thực phẩm” (ATTP) do VCCI và Cục ATTP, Bộ Y tế tổ chức ngày 12/9/2016 tại Hà Nội, đại diện VASEP cũng đã nhắc lại kiến nghị của VASEP trong suốt 2 năm qua về thủ tục công bố hợp chuẩn, hợp quy đối với hàng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, gia vị phục vụ cho chế biến, XK. Cục ATTP đã ghi nhận và sẽ báo cáo, trình sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ38) điều chỉnh vấn đề này.
Theo NĐ38, qui định công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP này áp dụng cho cả hàng nhập khẩu (bao gồm cả nguyên liệu chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, gia vị, bao bì) để sản xuất, XK, không tiêu thụ trong nước vẫn phải công bố hợp chuẩn, hợp quy. Thực tế, thủ tục này làm tốn kém rất nhiều thời gian, gây phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, DN phải mất thường là khoảng 1 tháng với nhiều loại Giấy tờ kèm theo và phát sinh các chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh của DN do DN không nhận hàng kịp nên không thể giao hàng đúng tiến độ yêu cầu của khách hàng.
Từ năm 2014 đến nay VASEP đã có 6 văn bản, 2 cuộc họp với đại diện Cục ATTP, nội dung này khi kiến nghị lên Chính phủ cũng đã được đưa vào NQ 19/2016. Tuy nhiên, cho đến nay, những trăn trở, vướng mắc chính của ngành thủy sản chưa được giải quyết. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rất nhiều lợi thế DN thủy sản có thể có được, nhưng nếu những thủ tục như thế này không được Bộ Y tế lưu tâm để điều chỉnh kịp thời thì rõ ràng sẽ níu kéo những nỗ lực đó.