Việt Nam đề nghị Hội đồng châu Âu hỗ trợ gỡ thẻ vàng thủy sản

Thủ tướng mong muốn Hội đồng châu Âu có tiếng nói để EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nghề cá hiện đại, bền vững.

Tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hội đồng thúc đẩy nghị viện các nước thành viên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đây là cơ sở tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai bên, bên cạnh Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã thực thi từ năm 2020. 

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Hội đồng châu Âu có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản xuất khẩu và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nghề cá hiện đại, bền vững. Thẻ vàng thủy sản khi được gỡ bỏ sẽ đảm bảo sinh kế cho hàng trăm nghìn ngư dân Việt Nam và đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng EU.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Đoàn Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Đoàn Bắc

Chủ tịch Hội đồng châu Âu ghi nhận bước tiến mà hai bên đạt được trong xử lý vấn đề thẻ vàng thủy sản. Ông Charles Michel cũng đánh giá cao nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ EU tăng cường quan hệ với ASEAN. 

Năm 2017, Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Điều này đồng nghĩa thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang ở Nhật dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 ngày 20-21/5. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự hội nghị này và là lần thứ hai dự theo lời mời của Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời, bên cạnh Indonesia.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần thứ 49 nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 19-22/5. G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy, đóng vai trò quan trọng trong định hình và củng cố cấu trúc, quản trị toàn cầu.

Theo Vn Express

Chia sẻ:


Thu Hằng
Biên tập viên
Email: thuhang@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext.214

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục