Đà Nẵng: Tập trung gỡ “thẻ vàng” thủy sản

Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng đánh giá, hiện nay công tác khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện IUU trên địa bàn thành phố đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực.

Chuẩn bị sẵn sàng phục vụ kiểm tra

Trong tháng 10/2022, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu làm việc với các tỉnh thành ven biển của cả nước về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong đó có Đà Nẵng. Đây là hoạt động kiểm tra các điều kiện trong việc gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Mới đây, tại buổi kiểm tra thực tế tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Phước Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương sẵn sàng các điều kiện cần thiết để báo cáo Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu.

da nang tap trung go the vang thuy san

Công tác quản lý, giám sát tàu cá, nguồn gốc, sản lượng khai thác đang được thực hiện đúng quy trình 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng. Tính đến 15/10/2022, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn thành phố là 1.227 chiếc với tổng công suất 399.205 cv. Trong số này, có 325 tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 m (vùng ven bờ), 317 tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m (vùng lộng); 585 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (vùng khơi). Hiện tại, những thông tin về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, nghề khai thác của tàu cá thành phố đã được cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase.

Những năm qua, để tăng cường thực hiện IUU, UBND Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp các nội dung theo chỉ đạo của Trung ương. Trong công tác đăng ký tàu cá, đăng kiểm, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt tàu cá của Đà Nẵng được đăng ký, đăng kiểm là 642 chiếc; cấp 600 sổ danh bạ thuyền viên. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, tổng số lượt tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm 5.801 chiếc; cấp 1.598 sổ danh bạ thuyền viên.

Đến nay, toàn thành phố có 1.052/1.227 tàu cá đã đánh dấu tàu theo quy định. Đối với 165 tàu cá chưa thực hiện đánh dấu, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi các đơn vị để phối hợp thông báo; đồng thời phối hợp Bộ đội Biên phòng thành phố xử lý vi phạm, không giải quyết xuất bến đối với các trường hợp trễ hạn đăng kiểm và chưa đánh dấu tàu cá.

Chi cục Thủy sản thành phố cũng đã thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 63 lượt tàu, lũy kế từ năm 2018 đến tháng 9/2022 là 1.131 lượt tàu; đồng thời hoàn thành công tác rà soát, báo cáo số liệu thực tế về tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản tại địa phương và cập nhật 100% số liệu tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase.

Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, toàn thành phố có 560/585 chiếc tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị. Những tàu cá chưa được lắp đặt đa phần do không đủ các điều kiện như: tạm ngừng hoạt động, hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản…

Thời gian qua, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân, chủ tàu về các quy định chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức như: lồng ghép qua các buổi tập huấn, cuộc họp, phát thanh trên hệ thống loa, bảng điện tử… Phối hợp với các lực lượng tổ chức triển khai cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết về IUU.

Đối với việc kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, 100% thông tin được cập nhật đến Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thành phố để theo dõi, phối hợp xử lý nếu có vi phạm và bảo đảm cho việc tra cứu, truy xuất, tìm kiếm dữ liệu khi cần thiết. Khi tàu cập cảng, đơn vị trực tiếp nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu chủ tàu nộp nhật ký khai thác thủy sản.

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản

Ông Nguyễn Lại, Phó trưởng Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng cho biết, kể từ đầu năm 2017, UBND Đà Nẵng đã có quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản nên đơn vị đã chủ động thực hiện trước thời điểm EU áp đặt “thẻ vàng”. Sau đó, ngành chức năng ở Đà Nẵng đã thực hiện quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, hướng dẫn cho ngư dân trong quá trình khai thác trên biển.

Hàng ngày, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bố trí nhân lực thực hiện khâu kiểm tra tàu bè khi cập, xuất bến tại cảng, đồng thời kiểm tra nhật ký khai thác 24/24h. Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ theo quy định như đăng ký số danh bạ thuyền viên, giấy phép khai thác, nhiệm vụ của các cán bộ tại trạm kiểm soát biên phòng còn hướng dẫn các chủ tàu ghi chép nhật ký khai thác của từng chuyến biển.

Trong giai đoạn từ năm 2019-2025, Đà Nẵng thực hiện hỗ trợ lệ phí mua bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị bảo quản sản phẩm thu hoạch. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng cá được các ngư dân đồng tình thực hiện và cho rằng đó là cần thiết. Nếu thực hiện ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ, cơ quan chức năng sẽ xác nhận để việc bán hải sản có thể thực hiện dễ dàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sau gần 5 năm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hành trình đánh bắt của các tàu cá, đến nay các chủ tàu cá tại Đà Nẵng đã ý thức được việc phải khai báo khi ra vào cảng cá. Các tàu đều đã lắp đặt và bật giám sát hành trình khi xuất đi biển cũng như thực hiện đầy đủ những thủ tục bắt buộc.

Mới đây, UBND Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch 162/KH-UBND (13/9/2022) về khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện IUU, nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về lĩnh vực thủy sản; cũng như tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là các hành vi vi phạm IUU.

Trong đó, việc tuyên truyền sâu rộng cho ngư dân, cộng đồng dân cư ven biển về Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá, ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản và các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thành phố tập trung hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí, trang thiết bị cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương như Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, Chi cục Thủy sản...

Ông Trần Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng đánh giá, hiện nay công tác khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện IUU trên địa bàn thành phố đang được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là công tác quản lý, giám sát tàu cá, nguồn gốc, sản lượng khai thác đang được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tuân tủ các quy định.

Với mục tiêu ngăn chặn, giảm thiểu các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ông Sơn đề nghị các sở, ngành, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch số 162/KH-UBND của UBND thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện IUU.

Bảo Ngọc (Theo Thời báo Ngân hàng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục