Theo đó, đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn từ 2013-2015:
- Khoảng 25 - 30% tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 65 - 70% tàu cá hoạt động ở vùng khơi được tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường.
- Giảm số tàu làm nghề lưới kéo xuống dưới 15% tổng số tàu cá khai thác hải sản.
- Giám sát, quản lý được khoảng 80% tàu cá hoạt động trên các vùng biển; quan sát hành trình hoạt động trên biển đối với khoảng 30% tàu cá khai thác hải sản ở vùng khơi.
- 100% tàu cá khai thác hải sản được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn dài (30 ngày/bản tin).
- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ đối với tàu khai thác cá ngừ.
- Giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 50% so với năm 2011.
b) Giai đoạn từ 2016-2020:
- Khoảng 40% tàu cá khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết. Trong đó, 90-100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi được tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường.
- Quan sát hành trình hoạt động trên biển đối với 100% tàu cá khai thác hải sản ở vùng khơi.
- 100% tàu cá khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (7 - 15 ngày/bản tin).
- Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. Mở rộng việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các tàu khai thác một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế khác.
- Giảm số vụ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai, rủi ro trên biển xuống dưới 75% so với năm 2011.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.