Thông tư mới nêu rõ, Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học căn cứ đề xuất của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc kết quả đánh giá rủi ro nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp.
Hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống để trưng bày tại hội chợ, triển lãm căn cứ trên đề xuất của tổ chức, cá nhân và kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm nhưng không quá thời điểm kết thúc hội chợ, triển lãm.
Trong đó, các trường hợp cấp phép nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam gồm:
- Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống phải đánh giá rủi ro: Thủy sản sống lần đầu nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí;
- Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống không phải đánh giá rủi ro khi: Nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí đã được đánh giá rủi ro; Nhập khẩu để nghiên cứu khoa học; Nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm.
Theo đó, đánh giá rủi ro thủy sản sống là hoạt động xác định những rủi ro, tác động bất lợi có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học, khả năng lây nhiễm bệnh dịch cho thủy sản bản địa và con người.
Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2019.