(vasep.com.vn) Ngày 17/6/2016, tại Hội thảo "Đề xuất của Người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017", các Hiệp hội DN và VCCI đã có những phân tích về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (LTT) và có chung quan điểm đề nghị: không tăng mức lương tối thiểu vùng trong năm 2017 bởi mức tăng trong năm 2016 đã cao hơn nhiều lần so với chỉ số tiêu dùng (CPI). Chỉ số này được coi là tiêu chí quan trọng nhất để làm căn cứ tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, 13h chiều ngày 2/8/2016, tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu đi đến thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu lên tới 7,3% so với năm 2016.
Kết quả, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,9%.
Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất là 213.000 đồng, tức tăng 7,3% so với năm 2016.
Với mức tăng này, tổng tiền lương của các DN thủy sản Việt Nam phải trả cho công nhân cao nhất trong khu vực. Thông tin này đang làm cho nhiều chủ DN “mất ăn mất ngủ” về bài toán cạnh tranh trong giai đoạn tới. Tưởng chừng, các Hiệp định tự do thương mại đã và đang ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN XK nhưng với nghịch lý đang phải gánh, các nhà XK không khỏi lo ngại sẽ “chết” trước khi bước ra sân chơi lớn.
Nghịch lý: LTT càng tăng, thu nhập càng giảm!
Tại hội thảo “Lao động, BHXH và phí công đoàn trong bối cảnh hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh” vừa được tổ chức ngày 5/8/2016 tại Hội chợ Triển lãm Thủy sản Quốc tế Vietfish 2016, ông Chu Văn An – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MINH PHU CORP) đã đưa ra 4 vấn đề bất cập của luật Lao Động, đang làm đau đầu các chủ DN, ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của cộng đồng DN, trong đó có nghịch lý về tăng lương tối thiểu vùng.
MINH PHU CORP là một Tập đoàn thủy sản hiện có khoảng 9.000 lao động, hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện công ty có 10 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm, chuỗi cung ứng và chế biến XK. Hàng chục năm nay, MINH PHU CORP luôn đứng đầu cả nước về kim ngạch XK thủy sản. 5 năm (2011 - 2015), DN XK được 2,25 tỷ USD. Thị trường XK của công ty trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Tập đoàn này đang xây dựng chuỗi giá trị tôm toàn cầu làm cơ sở đưa kim ngạch XK hàng năm lên 1 tỷ USD vào các năm tới.
Theo ông An, Điều 91, Bộ luật Lao Động năm 2012 quy định “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”. Và hàng năng, Hội đồng tiền lương Quốc gia đều đề xuất tăng lương tối thiểu vùng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN, tại sao vậy? Trong thực tế, các DN trả lương hàng tháng cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng 50-100%. Vậy câu hỏi đặt ra là: tăng LTT có tác dụng gì? LTT là lương nền cho việc đóng các khoản BHXH,BHYT,BHTN và phí Công đoàn. Càng tăng LTT thì thu nhập của người lao động càng giảm. Theo tính toán của MINH PHU SEAFOOD CORP, chi phí lao động cho một lao động giản đơn làm đủ 26 ngày công khoảng 6 triệu/ng/tháng. Chi phí này bao gồm cả các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn 34,5% LTT.
Như vậy càng tăng LTT thì thu nhập của người lao động càng giảm theo ( chưa kể vật giá thiết yếu tăng theo), chỉ có lợi cho quỹ BH và phí Công đoàn. DN không thể lấy khoản nào để bù cho việc tăng LTT hàng năm này khi năng suất lao động không tăng. Tăng LTT xảy ra tình trạng cào bằng, thu hẹp khoảng cách giữa người có tay nghề cao và người có tay nghề thấp, không khuyến khích những người tích cực. Thực tế năm 2016 tăng LTT lên 12,4% nhưng các DN thủy sản phải tăng thêm 1,12% nữa. Tổng cộng là 13,52% ( 5% nặng nhọc độc hại và 7% tay nghề. Cụ thể LTT vùng 2 là 3.100.000đ x1.12 = 3.472.000đ).
Các DN CBTS lo ngại khi các hiệp định thương mại với các nước có hiệu lực, sự cạnh tranh của chúng ta ra sao khi giá nguyên liệu của VN luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10-20%. Năng suất lao động của VN kém Singapore 15 lần, kém Malaysia và Thái Lan 6 lần. Tại Thái Lan, công nhân tại các DN CBTS ở xung quanh thủ đô Bang Kok được trả lương 220-250USD/tháng( tương đương 4.884.000- 5.550.000đ). Nếu nằm ngoài Bang Kok lương công nhân 180-200USD (3.996.000- 4.440.000 VNĐ). Tại Ấn độ lương công nhân CBTS 60-70 Rupee/ng/th (tương đương 2.200.000 VNĐ). Lương công nhân CBTS mà các DN Việt Nam đang trả cao hơn Thái Lan 20% và Ấn Độ là 170,27%. Với số liệu như trên cộng thêm với chi phí lao động ngày một tăng cao DN thủy sản Việt Nam khó có thể chịu đựng nổi. Không còn con đường nào khác là phải thu hẹp sản xuất để tồn tại.
Theo báo cáo của bộ KHĐT, 6 tháng năm 2016 có 36.600 DN giải thể, bình quân mỗi ngày có 203 DN phá sản không hoạt động. Các DN Thủy sản cũng nằm chung trong con số này, còn lại đa số thu hẹp sản xuất.
Như vậy, các mức đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn càng tăng thì thu nhập của người lao động càng giảm. Việc tăng LTT không có ý nghĩa gì với cuộc sống hiện tại của người lao động mà chỉ tăng gánh nặng cho DN. DN không thể lấy khoản nào để bù đắp cho việc giảm thu nhập này của người lao động khi năng suất lao động không tăng, quỹ lương của DN không thể tăng.
Nghịch lý: LTT càng tăng, năng suất lao động càng giảm!
NSLĐ là một trong những tiêu chí quan trọng để làm căn cứ tăng LTT ở Việt Nam. Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đang rất khiêm tốn, bình quân giai đoạn 2006 – 2015 chỉ tăng 3,9% (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 26/12/2015), trong khi LTT lại tăng ở mức rất cao, bình quân khoản 15%/năm).
Mức tăng NSLĐ so với mức tăng LTT từ 2000 - 2015 (Nguồn: LTT và NSLĐ, Vũ Thành Tự Anh)
Theo báo Thế giới Việt Nam ngày 11/9/2015, trong Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2015, Tổ chức này cũng tỏ rõ sự quan ngại về vấn đề LTT và những ảnh hưởng không nhỏ của nó tới nền kinh tế.
Khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động (Nguồn: WB)
Theo nhận định của WB, tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm tăng trưởng việc làm ở một mức độ nhất định, giảm sự hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt xa năng suất lao động. Đặc biệt, lương tối thiểu của khu vực tư nhân hiện tương đối cao so với các quốc gia khác.
Nhân công giá rẻ, vốn là một trong những lợi thế để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI. Bởi vậy, không loại trừ khả năng, mức lương tối thiểu cao sẽ trở thành một trong những yếu tố ngăn cản thu hút vốn đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ nguồn vốn này. Mức lương tối thiểu tăng còn góp phần giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác có cùng mức lương thấp như Bangladesh hay Campuchia (Số liệu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, 2012).
Ngoài ra, theo nghiên cứu của WB, mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Trên thực tế, kể từ năm 2006, mức lương tối thiểu đã tăng hơn gấp đôi, trong khi tăng trưởng năng suất lao động thì rất chậm chạp. Một trong số những điểm gợi ý về chính sách được chuyên gia WB đề cập là việc tăng lương tối thiểu sẽ đạt hiệu quả tối đa nếu được quyết định dựa trên các yếu tố thực tế về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
LTT của Việt Nam cao nhất ASEAN
Hiện tại, mức LTT của Việt Nam đang đứng thứ 74/101 nước được khảo sát trên thế giới, đứng thư 17/27 nước thuộc khu vực Châu Á. Tuy nhiên, nếu so sánh LTT/GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này của Việt Nam là khá cao, đứng thứ 9/101 nước được khảo sát trên thế giới, 2/27 nước thuộc khu vực Châu Á.
So sánh với một số nước ASEAN, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của TTCK, GDP của Việt Nam năm 2014 đạt 2.061 USD/người/năm, năm 2015 đạt 2.200 USD/người/năm, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Nếu so sánh tỷ lệ LTT/GDP bình quân đầu người khu vực đô thị của Việt Nam và một số quốc gia là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về XK thủy sản thì Việt Nam với tỷ lệ là 84,7%, cao hơn rất nhiều các nước khác như Trung Quốc (51,4%), Thái Lan (53,6%), Malaysia (26.6%), Indonesia (69,1%), chỉ thấp hơn Ấn Độ (99%) và Bangladesh (92,1%).
Lương tối thiểu ở khu vực đô thị của một số nước
Nước
|
Lương tối thiểu (USD/tháng)
|
Tỷ lệ so với GDP
bình quân (%)
|
Thời điểm
có hiệu lực
|
Bangladesh
|
66.2
|
92.1%
|
2013
|
Ấn-độ
|
135.7
|
99.9%
|
2015
|
Indonesia
|
202.0
|
69.1%
|
2015
|
Malaysia
|
237.9
|
26.6%
|
2013
|
Thailand
|
265.7
|
53.6%
|
2013
|
Trung Quốc
|
329.6
|
51.4%
|
2015
|
Việt Nam
|
141.9
|
84.7%
|
2015
|
Theo số liệu của Cty kiểm toán KPMG, mức đóng riêng cho khoản BHXH của chủ doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam cũng đang rất cao so với các nước trong khu vực.
Tỷ lệ đóng góp BHXH của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á
Nhìn vào biểu đồ trên ta thấy các nước trong khu vực đóng mức cao nhất là Lào chưa đến 10%. Việt Nam đóng tới 26% trong khi GDP của Việt Nam cũng chỉ tương đương với Lào, Campuchia và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Brunei.
Chính phủ đã đề ra lộ trình tăng lương tối thiểu nhằm hiện thực hóa mức lương tối thiểu 200 USD vào năm 2018, lấy tiêu chí từ các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines. Tuy nhiên, những năm gần đây Malaysia, Thái Lan, Philippines đang giữ nguyên mức lương tối thiểu, do ảnh hưởng của đồng tiền xuống giá, sự chênh lệch với Việt Nam cũng đang được thu hẹp lại. Ngoài ra, chi phí mà người chủ sử dụng lao động phải chi trả, cộng với chi phí bảo hiểm xã hội và phí công đoàn trên mức lương tối thiểu, đã vượt Philippines và sắp đuổi kịp Thái Lan.
So sánh về sự thay đổi của mức lương tối thiểu (so với Malaysia, Thái Lan, Philippines)
So sánh mức lương tối thiểu + Chi phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn (Thời điểm T4/2016)
Trước những vấn đề khó khăn của các DN sử dụng nhiều lao động như DN ngành dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng vừa cho hay sẽ tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và chỉ nên điều chỉnh tăng sau 2-3 năm/lần, thay vì là hàng năm như hiện nay.
Theo Hiệp hội Dệt may, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm.
VASEP - Hiệp hội đại diện cho các DN thủy sản cũng hiểu rõ những gánh nặng của DN hội viên và khó khăn của người lao động trong ngành đang gặp phải, trong các kiến nghị vừa qua gửi Ủy Ban các Vấn đề Xã hội của Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia, VASEP tiếp tục đề nghị:
1. Xem xét giữ nguyên mức LTT như năm 2016, không tăng LTT trong năm 2017.
2. Giãn thời gian tăng LTT từ 1 năm/lần lên 2-3 năm/lần vì mỗi lần tăng LTT, bên cạnh việc tăng chi phí, các DN còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho DN.
3. Không lấy LTT làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng BH, kinh phí Công đoàn. DN có trách nhiệm trả lương cho người lao đông không thấp hơn LTT do Nhà nước quy định nhưng có quyền lựa chọn kết cấu tiền lương để khuyến khích người lao động nhằm nâng cao NSLĐ và hiệu quả công việc.