(vasep.com.vn) Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mức tăng lương tối thiểu 12,4% của năm 2016 và việc tăng thường xuyên từ vài chục năm nay đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành dệt may. Chi phí nhân công tăng cao, đặc biệt là các khoản trích nộp theo lương, lợi nhuận giảm, cổ tức thấp… dẫn đến nhiều DN không mở rộng sản xuất tạo việc làm mới. Thu nhập của đại đa số người lao động không tăng, DN hạn chế tuyển dụng lao động các vùng nông thôn có tay nghề yếu, năng suất thấp… Vai trò đón bẩy kinh tế của hệ thống tiền lương không phát huy được tác dụng do DN có xu hướng xây dựng số bậc và khoảng cách giữa các bậc thợ ít nhất có thể.
TS Trương Văn Cẩm – Chủ tịch Vitas cho biết, nếu tăng lương tối thiểu sẽ làm hạn chế khả năng giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều DN dệt may có xu hướng không đầu tư mở rộng sản xuất về vùng 3, 4 do lao động tay nghề thấp, nâng suất thấp, phải bù lương, tiền đóng bảo hiểm, chi phí vận chuyển cao làm giảm cơ hội tạo việc làm cho các vùng nông thôn. Do đó, cần phải xuất phát từ cơ cấu lao động Việt Nam làm sao sử dụng hiệu quả 54 triệu lao động của thị trường lao động.
Ông Cẩm cho rằng, tiêu chí về mức sống tối thiểu cũng chưa thuyết phục và khó có thể làm được vì nhu cầu sống tối thiểu là một biến số luôn biến động chứ không phải là hằng số làm căn cứ tăng lương tối thiểu.
Đồng quan điểm với Vitas, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia có ý kiến với các đơn vị liên quan (Viện Dinh dưỡng, Tổng cục Thống kê…) thống nhất về xác định mức sống tối thiểu cho người lao động, nhất là sự khác nhau về số lượng calo tối thiểu cho một người lao động, chủng loại “rổ hàng hóa”, không nhất thiết đưa một số loại hàng hóa xa xỉ, cao cấp như: rượu, bia, tôm biển, phomat, thịt bò… vào rổ hàng hóa.
Hiện nay mức lương tối thiểu của Việt Nam đang tiệm cận đến mức lương trung bình (bằng 70% mức lương trung bình của cả nước), trong khi đó mới đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu. Theo ông Cẩm, nếu lương tối thiểu mà đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu thì bằng lương trung bình, nếu lương tối thiểu bằng lương trung bình thì toàn bộ hệ thống khuyến khích dùng tiền lương để làm đòn bẩy kinh tế bị phá vỡ, toàn bộ hệ thống tiền lương cũng bị vô hiệu hóa.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn đề nghị Chính phủ không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, đồng thời nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu. Cụ thể, 2-3 năm/lần thay vì hàng năm vì đối với DN mỗi lần Nhà nước tăng lương tối thiểu bên cạnh việc tăng chi phí, DN còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán lại, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho từng người lao động… Tăng lương tối thiểu và tỷ lệ đóng bảo hiểm đến thời điểm này đã quá sức chịu đựng của DN. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 2 năm liên tiếp đã dự báo để làm căn cứ tăng lương tối thiểu chênh lệch đến 7% so với thực hiện. Đây là thời điểm ngừng tăng lương tối thiểu như một cách để bù lại cho DN giúp ổn định sản xuất và phát triển.
Vitas đề nghị Hội đồng Tiền lương Quốc gia không lấy tiền lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn. DN có trách nhiệm trả lương cho người lao động không thấp hơn lương tối thiểu mà Nhà nước quy định nhưng cũng có quyền chọn kết cấu tiền lương để khuyến khích người lao động, kể cả lao động làm công việc đơn giản đơn nhất để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
Hiện nay tỷ lệ đóng bảo hiểm của Việt Nam đang ở mức cao so với khu vực và thế giới, Vitas kiến nghị Nhà nước giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm cho DN và người lao động về mức đóng trước năm 2010: DN đóng 18% (BHXH 15%; BHYT 2%; BHTN 1%) và người lao động đóng 7% (BHXH 5%; BHYT 1% và BHTN 1%). Về phí công đoàn 2% đề nghị để toàn bộ cho công đoàn cơ sở để người sử dụng lao động chăm lo cho người lao động.
Đồng quan điểm với Vitas, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cũng đề nghị Hội đồng tiền lương Quốc gia kiến nghị Chính phủ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017 mà vẫn giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng năm 2016.