Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản đang chờ Bộ Y tế

(vasep.con.vn) Vướng mắc nào là lớn nhất đối với doanh nghiệp thủy sản? Theo khảo sát của VASEP cuối năm 2016, phần lớn các DN gặp khó khăn với thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38/2012) về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP. Sau khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp hội viên, trong 3 tháng đầu năm 2017, VASEP đã gửi 2 công văn kiến nghị tới Bộ Y tế nhưng cho tới nay Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình xem xét để tháo gỡ.

Theo phản ánh của các DN XK thủy sản, thủ tục cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang tạo ra không ít nhiêu khê và khó khăn cho các tổ chức, cá nhân. Theo như quy định tại khoản 4, Điều 4, NĐ 38/2012 thì việc chờ đợi ít nhất 15 ngày làm việc để được cấp “Giấy xác nhận” đang có tính chất tạo thêm một “Giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Hơn nữa, hiện nay phương thức quản lý an toàn thực phẩm của nhiều nước trên thế giới (EU, Mỹ, Nhật Bản,…) không có phương thức tương tự và các nước chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước dựa trên 3 hoạt động chính: đánh giá điều kiện SX, lấy mẫu phân tích và thanh, kiểm tra.

Do vậy, ngày 15/3/2017, tại Công văn số 35/2017/CV-VASEP góp ý, kiến nghị cho Dự thảo 3 Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATTP, VASEP đã kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh về phạm vi công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đúng theo quy định tại Điều 12 của Luật ATTP và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ như Nghị quyết số 103-2016 và Nghị quyết số 19/2017.

Theo đó Dự thảo Nghị định cần đảm bảo rằng, chỉ đăng ký bản công bố hợp quy với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn với CQNN có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường; Bãi bỏ quy định cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP do không có quy định trong Luật ATTP và thực hiện thời gian 4 năm qua cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “giấy phép con”.

Miễn thực hiện việc công bố hợp quy và công bố sự phù hợp quy định an toàn thực phẩm ATTP, miễn ghi nhãn tiếng Việt Nam đối với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam dùng để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu, không tiêu thụ tại thị trường trong nước (Mục 3, NQ 103/NQ-CP).

Thực tế hiện nay, NĐ 38/2012 đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có tính chất như là một hình thức cấp “Giấy phép con” và chưa đúng với tinh thần của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật ATTP cũng như tinh thần của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP.

Theo các DN, bản chất của hoạt động đăng ký công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”.  Hiện tại, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công bố hợp quy thuộc ngành khác như: Khoa học công nghệ, xây dựng,… đều đang thực hiện hình thức này, chứ không cấp “Giấy Tiếp nhận công bố hợp quy” như ngành Y tế.

Để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho nhiều loại sản phẩm, bao gồm sản phẩm cho tiêu thụ nội địa, DN cũng phải mất nhiều thời gian và chi phí. Theo như NĐ 38/2012 là  15 ngày làm việc, tương đương khoảng 3 tuần nhưng trên thực tế, thời gian để DN làm thủ tục để được cấp Giấy Xác nhận không chỉ là 3 tuần như qui định trên, mà thông thường còn mất nhiều thời gian hơn  thậm chí là gấp đôi thời gian quy định.

Nguyên nhân là do nhiều trường hợp sau khi đã chờ đợi đến đủ 3 tuần, DN lại mới nhận được thông báo là hồ sơ không đạt, yêu cầu doanh nghiệp lên Chi cục nhận lại hồ sơ và văn bản Thông báo không đạt để về sửa lại hồ sơ. Doanh nghiệp lại tiếp tục nộp hồ sơ và được tính lại từ đầu là 15 ngày làm việc. Do vậy, thời gian làm thủ tục công bố hợp quy của DN thường rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm DN mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Thời gian đến 3 ngày làm việc cũng tương đương với thời gian cấp mới Giấy chứng nhận của các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ NN và PTNT và một số Bộ ngành khác.

Do đó, VASEP đã kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi NĐ 38/2012 theo hướng đơn giản hóa các thành phần của hồ sơ đăng ký hợp quy, thủ tục đăng ký công bố hợp quy, tiếp nhận đăng ký và thông báo tiếp nhận công bố hợp quy dựa trên các nguyên tắc: (1) Việc nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy là do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiềm về sản phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy thực hiện; (2) Cơ quan nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký và cấp “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”; (3) Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ sẽ: “kiểm tra Hồ sơ xem hồ sơ có đủ không ngay khi DN nộp hồ sơ, và thời gian cấp “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy” xuống còn tối đa là 3 ngày làm việc.

Ngoài ra, tại công văn số 26/2017 và công văn số 51/2017/CV-VASEP, Hiệp hội cũng đã báo cáo thực trạng và kiến nghị Bộ Y tế việc tháo gỡ các vướng mắc trong công bố phù hợp quy định ATTP cho sản phẩm sản xuất để tiêu dùng nội địa. Nhưng cho tới nay, VASEP và các DN thủy sản vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi và giải quyết tháo gỡ phía Bộ Y tế.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM