Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ Y tế hoàn thiện Dự thảo Nghị định 38 theo hướng chuyển sang hậu kiểm

(vasep.com.vn) Ngày 21/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 321/TB-VPCP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP. Tại cuộc họp này, sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận: Về vấn đề công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2012/NĐ-CP (NĐ 38), giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để hoàn chỉnh Dự thảo theo hướng chuyển sang hậu kiểm, quy định cụ thể tại Nghị định việc công bố của doanh nghiệp, hạn chế tối đa các hướng dẫn của các bộ về vấn đề này; thực hiện đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trên đem đến niềm tin, hi vọng cho các DN XK thủy sản trong việc tháo bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp ATTP tại NĐ 38 cũng là một nội dung quy định pháp luật tạo nhiều vướng mắc nhất cho các DN thủy sản trong suốt 3 năm qua.

Sau hơn một năm kiến nghị bằng nhiều văn bản gửi tới Bộ Y tế, Chính phủ đã tháo gỡ được một phần vướng mắc cho cộng đồng DN tại Nghị quyết số 103-2016/NQ-CP ngày 5/12/2016 về việc miễn kiểm tra ATTP, công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đối với nguyên-phụ liệu, phụ gia, gia vị, bao bì... nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Ngoài ra, Nghị quyết 103-2016/NQ-CP cũng đã mở ra cơ hội và hy vọng cho toàn ngành thực phẩm đó là trong quý I/2017, Bộ Y tế phải chủ trì sửa đổi NĐ 38/2012.

Tuy nhiên, cho đến nay những nội dung vướng mắc, chưa phù hợp với tình hình thực tế vẫn đang gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho các DN thủy sản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thủ tục cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP, trong đó có những quy định trái với Luật ATTP và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật.

Về vấn đề này, đồng tình với các kiến nghị của VASEP, ngày 6/12/2016, Bộ NN và PTNT cũng đã gửi Công văn số 10264/BNN-QLCL đề xuất với Bộ Y tế bỏ quy định việc công bố phù hợp với quy định về ATTP do không phù hợp với Luật ATTP vì 3 lý do: Một là, Luật chỉ quy định phương thức đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm chế biến bao gói sẵn không quy định phương thức “công bố phù hợp với quy định”. Hai là, trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền nhà nước phải xây dựng và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm để tổ chức, cá nhân thực hiện công bố theo quy định của Luật và ba là NĐ 38 không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Công văn số 866/BKHCN-TĐC ngày 24/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) gửi Bộ Y tế góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 38 cũng đồng tình về sự cần thiết phải sửa đổi nghị định này, trong đó có quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp ATTP.

Theo Bộ KH&CN, tại Điều 12, Điều 17, Điều 18 và Điều 38 Luật ATTP chỉ quy định biện pháp công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không quy định biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”. Tuy nhiên tại NĐ 38 lại quy định biện pháp này. Do đó, Bộ KH&CN đề nghị Bộ Y tế xem xét lại nội dung quy định này để phù hợp với Luật ATTP.

Hơn nữa, tham chiếu quy định tại các Điều 38 của Luật ATTP quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm NK; Điều 3, Điều 4 NĐ 38 có thể thấy với việc quy định thực phẩm NK phải có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi NK thì mới được phép thông quan hàng hóa như hiện nay là chưa cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần của Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Việc lựa chọn biện pháp quản lý phù hợp rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho DN nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM