(vasep.com.vn) Trong một báo cáo mới công bố của Ocean vào ngày 01/2/2022, tổ chức này đã kêu gọi Mỹ mở rộng Chương trình Giám sát Thuỷ sản Nhập khẩu (SIMP), vì cho rằng luật pháp của liên bang được xây dựng để ngăn chặn các sản phẩm được dán nhãn gian lận và các loài bị đánh bắt bất hợp pháp xâm nhập vào nước này có quá nhiều kẽ hở.
Báo cáo dài 36 trang ghi nhận một báo cáo của Uỷ ban Thương mại Mỹ cho thấy trong số thuỷ sản NK vào Mỹ năm 2019 có 2,4 tỷ USD (tương đương 2,13 tỷ EUR) các sản phẩm thuỷ sản được đánh bắt bất hợp pháp. Ví dụ về đánh bắt bất hợp pháp bao gồm các thuỷ thủ đánh bắt hải sản ở các khu vực không được phép, các sản phẩm dán sai nhãn và sử dụng lao động cưỡng bức.
Tổ chức này cũng kêu gọi Mỹ đưa ra các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt hơn để người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm họ đang mua. Oceana cũng muốn chính phủ liên bang mở rộng chương trình SIMP để bao trùm tất cả các loài.
Báo cáo cho biết khi SIMP được xây dựng vào năm 2016, mục đích là mở rộng chương trình này cho tất cả các loài. Hiện tại đã 5 năm trôi qua kể từ khi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) ban hành quy định cuối cùng, đã đến lúc chính phủ Mỹ phải hoàn thành việc này.
Hiện chương trình SIMP bao gồm 13 loài, chiếm khoảng 2/5 lượng NK của cả nước. Trong 1 nghiên cứu năm 2019, Oceana đã phát hiện ra rằng 21% hải sản được lấy mẫu không nằm trong chương trình SIMP vẫn bị dán sai nhãn. Một vấn đề nữa là việc truy xuất nguồn gốc chỉ dừng lại ở biên giới Mỹ.
Báo cáo này tập trung vào 4 loài hiện không nằm trong chương trình SIMP là tôm hùm gai, bạch tuộc Mây, ghẹ xanh và mực. Báo cáo đã đề cập đến việc ghẹ xanh thường bị dán sai nhãn để bán đắt như loại cua xanh ở vịnh Chesapeake.
Báo cáo của Oceana được đưa ra khi một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đệ trình lên quốc hội một dự luật nhằm mở rộng chương trình SIMP và củng cố luật liên bang để chống đánh bắt bất hợp pháp.