NOAA cho Mexico vào danh sách đánh bắt IUU

(vasep.com.vn) Trong báo cáo về “Cải thiện Quản lý Nghề cá Quốc tế” trình Quốc hội vào tháng 8/2021, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã chỉ ra 7 quốc gia liên quan tới hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và 29 nước không có đủ các chương trình quản lý để giảm thiểu đánh bắt không chủ định.

Chú thích ảnh

Báo cáo này cho biết, tàu mang cờ của Trung Quốc, Costa Rica, Guyana, Mexico, Nga, Senegal, và Đài Loan liên quan tới hoạt động đánh bắt IUU trong giai đoạn 2018 – 2020. Các đội tàu này đã khai thác trong khu vực quy ước của Uỷ ban Quốc tế về Bảo tồn Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT), Uỷ ban Cá ngừ Nhiệt đới Liên Mỹ (IATTC) và Uỷ ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC). Báo cáo cũng tóm tắt các vi phạm về việc đánh bắt không chủ đích, vi phạm hạn ngạch, lạm thác cá cờ hay cá kiếm, và sử dụng các ngư cụ bị cấm.

Một số sự cố liên quan đến cá ngừ được liệt kê gồm Guyana, quốc gia này bị bị đưa vào danh sách vì không ghi rõ loài trong 355 tấn sản lượng đánh bắt được. Senegal không cung cấp được các tài liệu về tàu đánh bắt cá ngừ câu vàng mang cờ nước này, không có giấy phép khai thác và đang cố cập vào một cảng tại một quốc gia Châu Phi, và điều này không tuân theo các quy định liên quan của ICCAT.

NOAA sẽ tìm kiếm các bằng chứng về việc thực hiện của 7 quốc gia trên nhằm cải thiện các vi phạm của mình trước khi đưa ra quyết định chứng nhận vào năm 2023.

Quyết định chứng nhận tiêu cực mà Mexico nhận được từ Cơ quan Nghề cá Biển Quốc gia (NMFS) của NOAA dựa trên việc xác định các tàu đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển của Mỹ tại Vịnh Mexico. Điều này liên quan đến việc đánh bắt các loài hải sản nằm trong quy định của Mỹ, bao gồm cá hồng và việc đánh bắt không chủ đích các loài rùa đang được bảo vệ. Mexico đã không kiểm soát được các tàu nhỏ tham gia vào các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp và đã bị cảnh báo 2 lần liên tiếp.

Mặc dù sản lượng đánh bắt cá ngừ không phải là một phần của vấn đề này, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành cá ngừ Mexico do Mỹ có thể quyết định từ chối cho các tàu đánh bắt của Mexico cập cảng của họ, và thậm chí tệ hơn, áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm cá và hải sản từ Mexico (có thể cũng bao gồm cá ngừ đóng hộp). Theo NOAA, những hạn chế như vậy nằm trong tầm ngắm của văn phòng điều hành của Tổng thống Mỹ và cho đến này vẫn chưa có hành động nào được thực hiện.

Trong khi đó, Ecuador đã xoay sở chuyển từ quyết định chứng nhận tiêu cực sang tích cực sau cuộc tham vấn kéo dài 2 năm với NMFS. Nước này cho biết sẽ thực hiện các hành động khắc phục thích hợp để giải quyết hoạt động đánh bắt IUU. Bên cạnh đó, nước này vẫn đang bị EU giơ “thẻ vàng” cảnh cáo vì không đủ nỗ lực chống đánh bắt IUU.

Quốc gia đánh bắt cá ngừ, Hàn Quốc, cũng đã đạt được chứng nhận tích cực từ NOAA vì nước này đã đưa ra các biện pháp hiệu quả để chống đánh bắt IUU và xử lý các vi phạm về đánh bắt không chủ đích.

Ngoài báo cáo, NOAA đang sử dụng Chương trình Giám sát Thuỷ sản Nhập khẩu (SIMP) để chống thuỷ sản được đánh bắt IUU vào thị trường Mỹ. NOAA vẫn đang nỗ lực để cải thiện chương trình này.

NOAA cũng đã xem xét đánh giá các nguồn tài nguyên biển được bảo vệ và bảo tồn cá mập. Cơ quan này đã liệt kê 29 nước và tổ chức có các quy định về đánh bắt không chủ đích không phù hợp vì họ đã thay đổi cách xác định các chính sách về đánh bắt không chủ đích phù hợp với quy định của Mỹ. Các chính sách này liên quan đến đội tàu đánh bắt cá ngừ câu vàng được xác định đánh bắt không chủ đích rùa biển và hoạt động dưới sự quản lý của ICCAT, IATTC và WCPFC. Các tàu được đăng ký tại Algeria, Barbados, Trung Quốc, Ivory Coast, Croatia, Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Grenada, Guyana, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malta, Mauritania, Mexico, Morocco, Namibia, Bồ Đào Nha, Saint Vincent và Grenadines, Senegal, Nam Phi, Tây Ban Nha, Đài Loan, Trinidad và Tobago, Tunisia, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục