Chính phủ và ngành thuỷ sản cần hợp lực để chống đánh bắt IUU

(vasep.com.vn) Trên khắp thế giới, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đang đặt nguồn lợi hải sản, nhân quyền và hệ sinh thái biển vào tình thế hiểm nguy. Khai thác IUU đã đánh cắp hàng triệu tấn hải sản mỗi năm và lấy đi hàng tỷ đô la từ nền kinh của các quốc gia. Hoạt động này cũng không công bằng với ngư dân và quốc gia đánh bắt hải sản có trách nhiệm, các thị trường tiêu thụ trên thế giới và hàng tỷ người đang sống dựa vào nguồn protein và dinh dưỡng quan trọng này. Các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã làm giảm đi việc giám sát và thực thi và làm mối đe doạ này trở nên nghiêm trọng hơn. Thách thức này chỉ có thể giải quyết nếu các bên liên quan trong lĩnh vực thuỷ sản cùng hành động.

Chính phủ và ngành thuỷ sản cần hợp lực để chống đánh bắt IUU

Đây là lý do tại sao mà một liên minh mới của ngành thuỷ sản và các nhà lãnh đạo trên toàn cầu cùng hợp lực để chống đánh bắt bất hợp pháp và đảm bảo không có một loài hải sản nào được đánh bắt bất hợp pháp được đưa tới bàn ăn của người tiêu dùng.

Các tổ chức: Tổ chức Kinh doanh Thuỷ sản để Quản lý Đại dương (SeaBOS), Liên minh Cá ngừ toàn cầu (GTA), Quỹ Phát triển Bền vững Thuỷ sản Quốc tế (ISSF), Diễn đàn Đối thoại toàn cầu về Truy xuất nguồn gốc Thuỷ sản (GDST) và Chương trình Sáng kiến Phát triển Bền vững Thuỷ sản Toàn cầu (GSSI) gồm 150 nhà bán lẻ và công ty thuỷ sản trên toàn cầu. Họ có nhận định rằng, hành động kiểm soát các hoạt động đánh bắt IUU quan trọng đối với tương lai của ngành thuỷ sản cũng như sức mạnh và sự thịnh vượng trong tương lai của các nhà cung cấp và người tiêu dùng thuỷ sản.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 16/02/2021, các tổ chức này đã tuyên bố rằng chúng ta có thể loại bỏ thách thức về hoạt động đánh bắt IUU nếu các Chính phủ và các ngành cùng hợp lực để đảm bảo ngư dân đánh bắt IUU không thể tìm thấy người mua, hoặc thậm chí không thể cập cảng để dỡ hàng. Làm việc cùng với Trung tâm Stanford về các giải pháp cho đại dương và Tổ chức những người bạn hành động vì đại dương, các nhà lãnh đạo thủy sản đã đề ra cách ứng phó với vấn đề về đánh bắt IUU. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là khả năng truy xuất nguồn gốc, từ lúc đánh bắt tới bàn ăn, và kiểm soát chặt tại các cảng.

Khả năng truy xuất nguồn gốc

Để ngăn chặn hoạt động đánh bắt IUU ra khỏi thị trường, ưu tiên hàng đầu là thiết lập sự minh bạch thực sự về nguồn gốc của sản phẩm hải sản được mua và bán.

Một số bộ phận của ngành thủy sản có hệ thống truy xuất nguồn gốc mạnh, nhưng phần lớn lĩnh vực này chưa rõ ràng. Đó là một thách thức phức tạp và thủy sản là một mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, có hàng triệu nhà sản xuất, chế biến và người mua tham gia. Để xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc bao trùm tất cả các nhân tố đó, trong tất cả các bộ phận của ngành thủy sản, chúng ta cần có các tiêu chuẩn toàn cầu chỉ rõ thông tin mà tất cả phải cung cấp, chẳng hạn như: dữ liệu đánh bắt, hồ sơ của tàu đánh bắt và vị trí diễn ra các hoạt động đánh bắt và điều đó đảm bảo rằng tất cả thông tin có thể được chia sẻ một cách dễ dàng.

Các tổ chức tham gia liên minh mới này đều tán thành các tiêu chuẩn mới mang tính đột phá do GDST phát triển, sẽ tạo nền tảng cho một hệ thống toàn cầu cho phép người mua truy xuất hải sản từ điểm đánh bắt tới lúc được bán ra thị trường.

Các tiêu chuẩn này xác định “các yếu tố dữ liệu quan trọng” để truy xuất nguồn gốc để mọi thành viên tham gia chuỗi cung ứng biết họ phải cung cấp thông tin gì và họ có thể mong đợi thông tin nào.

GDST cũng thiết lập các thông số kỹ thuật cho hệ thống công nghệ thông tin để dữ liệu có thể được chuyển tải liên tục giữa các tác nhân khác nhau. Các tiêu chuẩn của GDST sẽ cho phép mọi công ty trong lĩnh vực thủy sản, và người tiêu dùng, biết họ đang mua gì và quan trọng là họ tin rằng đó là sản phẩm hợp pháp.

Các biện pháp kiểm soát cảng biển

Khi tính minh bạch được cải thiện trong các chuỗi cung ứng, chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng nguồn hải sản được đánh bắt IUU không thể xâm nhập vào các chuỗi cung ứng đó ngay từ đầu.

Rất khó để ngăn được ngư dân đánh bắt IUU trên biển, nhưng hoạt động đánh bắt của họ có thể bị ngăn chặn khi cập cảng. Chính phủ các nước cần thực hiện các biện pháp kiểm soát cảng biển mạnh mẽ để đảm bảo rằng các tàu đánh bắt IUU được xác định và bị bắt giữ hay từ chối cập cảng. Chính phủ các nước có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ thông tin cho phép việc thực thi có hiệu quả và nhất quán giữa các khu vực tài phán để một con tàu sau khi bị từ chối cập cảng tại cảng này không thể cập cảng tại nơi khác.

May mắn thay, đã có một nền tảng cho các Chính phủ hợp lực. Một thoả thuận ràng buộc của Tổ chức Nông Lương Liên hợp Quốc (FAO), được gọi là Hiệp định về các biện pháp của các quốc gia có cảng (PSMA), yêu cầu tất cả các nước phải đảm bảo rằng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp không thể cập cảng tại các nước này. Tính đến ngày hôm nay, hiệp định này đã được 66 quốc gia và Liên minh Châu Âu phê chuẩn.

Các tổ chức hợp lực trong liên minh đang kêu gọi các Chính phủ phê chuẩn và thực hiện các hoạt động kiểm soát cảng biển phù hợp với các yêu cầu của PSMA. Họ cũng đang kêu gọi các Chính phủ chia sẻ thông tin và dữ liệu hoạt động của các đội tàu khai thác của mình, để các cảng có thể thực thi các biện pháp một cách hiệu quả.

Tuyên bố của liên minh này đã nêu rõ rằng người mua thuỷ sản hàng đầu sẽ chú ý tới các biện pháp mà các cảng thực hiện để ngăn chặn hải sản được đánh bắt IUU cập cảng. Họ cũng đã gửi các tín hiệu rõ ràng rằng họ ngày càng tìm kiếm các nguồn hải sản từ các cảng có thực thi các biện pháp phù hợp với Hiệp định PSMA.

Trong 5 năm qua, khi thông qua các mục tiêu phát triển bền vững, 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (UN) đã cam kết chấm dứt hoạt động đánh bắt IUU. Ngày nay, các nhà lãnh đạo trong toàn ngành thuỷ sản cho biết nếu ngành thuỷ sản và các Chính phủ cùng hành động để tạo ra sự minh bạch trong các chuỗi cung ứng trên toàn cầu và thiết lập các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại các cảng thì họ có thể đạt được mục tiêu này.

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục