Ngày 13/4, tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị đối thoại chung tay chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Cuộc đối thoại với sự tham gia của cơ quan quản lý là Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá cùng doanh nghiệp hải sản, Vasep và ngư dân nhằm trao đổi những thuận lợi, khó khăn của ngư dân trong thực hiện các quy định chống khai thác IUU; thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp, đại lý thu gom trong công tác xác nhận, chứng nhận, khách hàng, hồ sơ…
Tại đây, bà Lê Hằng - đại diện VASEP - đã giới thiệu một số nội dung liên quan đến chống khai thác IUU. Thông qua hình thức poster và video clip ngắn, VASEP mong muốn thông tin một cách dễ hiểu đến ngư dân và chủ tàu cá các nội dung cơ bản, như: Các nội dung doanh nghiệp hải sản và đại lý thu gom nguyên liệu hải sản cần thực hiện; các quy định khi chủ tàu cá và ngư dân ra khởi cần ghi nhớ; các nội dung, quy định chủ tàu cá và ngư dân cần lưu ý về lao động chưa thành niên trong khai thác hải sản…
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, đề cập: “Khi thủy sản được xuất khẩu, khách hàng bỏ tiền ra mua nên họ có quyền biết nguồn gốc hàng hóa. Nói dễ hiểu là tính hợp pháp của thủy sản. Nguồn gốc là các thông tin sản phẩm đó được khai thác từ đâu, quốc gia nào, mua của ai. Những việc làm này, trước đó qua quá trình dài còn bỏ ngỏ, nhưng hiện nay thì mình mới tập trung thực hiện”.
Cũng theo ông Triều, liên quan đến thẻ vàng của EC, Việt Nam của chúng ta đã đi vào “sân” chung của toàn cầu. Đã vô sân chơi chung thì phải có luật chung của tổ chức quốc tế đưa ra và mình phải theo luật của họ. Nếu mình không đáp ứng được luật thì hàng của mình không xuất khẩu được. Hiện nay mình đã bị thẻ vàng, về cơ bản còn xuất khẩu được. Tuy nhiên sẽ bị tăng cường kiểm tra, giám sát truy xuất nguồn gốc đến cùng.
“Nếu chúng ta không nhìn nhận, ý thức khai thác thủy sản bền vững để thực thi pháp luật cho tốt, đến tương lai gần khi thẻ vàng không gỡ được thì sẽ đến thẻ đỏ. Lúc ấy buộc chúng ta nghĩ đến vấn đề cá bán không ai mua, dẫn tới nghề khai thác thủy sản bị phá sản”, ông Triều nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại, nhiều ngư dân, doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản, thiết bị giám sát hành trình, các thủ tục để xuất khẩu thủy sản, tình trạng thu tiền ở ngư trường,…
Liên quan vấn đề tranh chấp, mua bán ngư trường, ông Triều nhìn nhận: “Rõ ràng nguồn lợi thủy sản là của toàn dân, nhà nước quản lý trên hệ thống pháp luật. Còn về vấn đề mua bán ngư trường, chúng tôi có nghe, có biết qua phản ánh của bà con. Trên bờ dễ bắt và xử lý, nhưng ở ngoài biển thì nó làm tinh vi và việc kiểm soát rất khó khăn. Đây là vấn đề rất nan giải, việc này chúng tôi tiếp thu ghi nhận, sau đó sàng lọc báo cáo cho cấp có thẩm quyền nắm và xử lý”.
Một số ngư dân cũng nêu vấn đề phải có giấy chứng nhận ở cảng cá chỉ định chứng minh nguồn gốc hành hóa để xuất khẩu, trong khi một số tàu cá ở xa cảng cá chỉ định, gây khó khăn, tăng chi phí cho người dân.
“Cà Mau có hơn 80 cửa sông thông ra biển, trong đó các cửa biển lớn dài từ Tây sang Đông thì đều có tàu từ 15m trở lên, nhưng cảng cá chỉ định hiện nay chỉ có cảng Sông Đốc (Trần Văn Thời) và Rạch Gốc (Ngọc Hiển). Về luật quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi ở biển vào bờ đều phải cập bến ở cảng chỉ định. Như vậy các tàu cá ở xa như Khánh Hội, U Minh, thì tốn nhiều chi phí khi di chuyển đến cảng cá chỉ định. Tuy nhiên, không cập bến cảng cá chỉ định thì không có biên nhận để phục vụ xuất khẩu”, ông Triều nhìn nhận bất cập.
Cũng theo ông Triều, bản chất của giấy chứng nhận này chỉ để chứng minh tàu khai thác cá ở đâu, có hợp pháp hay không. Ngành chức năng đang tham mưu cho UBND tỉnh, bằng cách nào đó các cơ quan quản lý phải chứng minh sản phẩm hàng hóa đó hợp pháp, mà tàu không cần cập bến cảng cá chỉ định.
(Theo Tạp chí Thời đại)