“Dồn lực” gỡ thẻ vàng IUU

Dự kiến cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ làm việc với các địa phương về việc khắc phục chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hiện tại, các địa phương đang tập trung triển khai, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp để phối hợp cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Chú thích ảnh

Lực lượng chức năng tuyên truyền ngư dân về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định IUU. 

Chặn khai thác bất hợp pháp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lượt tàu cá của Đà Nẵng được đăng ký, đăng kiểm là 642 chiếc. Trong đó, cấp 600 sổ danh bạ thuyền viên. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, tổng số lượt tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm là 5.801 chiếc và cấp 1.598 sổ danh bạ thuyền viên.

Đà Nẵng hiện có 1.052/1.217 tàu cá đã đánh dấu tàu theo quy định. Đối với 165 tàu cá chưa thực hiện đánh dấu, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi các đơn vị để phối hợp thông báo, đồng thời phối hợp Bộ đội Biên phòng thành phố xử lý vi phạm, không giải quyết xuất bến đối với các trường hợp trễ hạn đăng kiểm và chưa đánh dấu tàu cá.

Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, toàn thành phố có 560/585 chiếc tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị. Những tàu cá chưa được lắp đặt đa phần do không đủ các điều kiện như tạm ngừng hoạt động, hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản…

Ông Nguyễn Lại, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết đơn vị đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở ngư dân, chủ tàu về các quy định chống khai thác IUU. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng tổ chức triển khai cho các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết về chống khai thác IUU. Đối với việc kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, 100% thông tin được cập nhật đến Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá thành phố để theo dõi, phối hợp xử lý nếu có vi phạm.

Tại Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 2.741 tàu thuyền (vùng khơi 672 chiếc, vùng lộng 731 chiếc, vùng bờ 1.338 chiếc). Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; có 98,7% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (663 tàu cá).

Để thuận tiện cho việc kiểm tra, các tàu cá đều thông báo 1 giờ trước khi cập cảng, lên cá để ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Cùng với đó, giám sát, ghi chép bốc dỡ hải sản qua cảng, cập nhật số liệu sản lượng hải sản bốc dỡ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, xác nhận tàu cá cập cảng, xuất cảng qua sổ danh bạ thuyền viên.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, công tác chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” thủy sản vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các địa phương cho rằng việc xử lý thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, vi phạm vùng khai thác hải sản, niêm phong thiết bị giám sát hành trình khó thực hiện, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, quản lý và xác minh, xử lý vi phạm,…

Do đó, các địa phương đã phải tăng cường phối hợp các lực lượng thực hiện thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá. Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc vô hiệu hóa thiết bị khi đang hoạt động trên biển.

Ông Nguyễn Lại cho hay, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai khắc phục những hạn chế, bảo đảm việc thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát tàu đến, rời cảng, thu nhật ký khai thác hải sản, giám sát sản lượng thành phần loài qua cảng… Cùng với đó, phối hợp các lực lượng kiểm soát hoạt động nghề cá tại cảng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác IUU đối với chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá.

“Ban quản lý đã quán triệt, kiên quyết không ký chứng thực vào sổ danh bạ thuyền viên, không ưu tiên bố trí cập cảng nếu tàu không chấp hành các quy định. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra, rà soát, chuẩn bị kỹ, hoàn thiện hồ sơ lưu để phục vụ công tác kiểm tra của đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sắp đến”, ông Nguyễn Lại thông tin.

Đối với tỉnh Quảng Nam, địa phương này đã xây dựng, triển khai quy trình kiểm tra tàu thuyền, giám sát sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng cá, cập nhật sản lượng đã bốc dỡ qua cảng vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Cùng với đó, thực hiện nghiêm thu nhận nhật ký khai thác, nhật ký thu mua chuyển tải, quy trình tàu cá cập cảng, rời cảng đúng quy định cũng như xác nhận nội dung tàu cá cập, xuất cảng tại sổ danh bạ thuyền viên tàu cá đúng với thực tế hành trình tàu cá.

Ông Võ Văn Long, Chi Cục trưởng Chi Cục thủy sản Quảng Nam, cho biết đã tăng cường công tác xử lý hành chính để ngư dân thực hiện đúng các quy định, cùng với đó yêu cầu chủ các phương tiện ký cam kết không vi phạm về khai thác IUU. Phải song hành giữa tuyên truyền và xử lý hành chính để ngư dân nghiêm chỉnh thực hiện bởi ngư dân hiện vẫn chưa nhận thức rõ về những ảnh hưởng từ các án phạt. “Trước đây là nghề cá nhân dân nhưng bây giờ phải là nghề cá có trách nhiệm, do đó, ngư dân phải phối hợp với địa phương để nghề cá phát triển bền vững”, ông Võ Văn Long khẳng định.

Bảo Ngọc (Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục