Các Hiệp hội doanh nghiệp - đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam, luôn cam kết ủng hộ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các nỗ lực bảo vệ môi trường, cũng như đẩy mạnh việc tái chế sản phẩm, bao bì để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Phúc đáp Văn bản số 2885/BTNMT-PC ngày 26/4/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là “Dự thảo”), Các Hiệp hội xin có một số góp ý:
A. DỰ THẢO ĐỊNH MỨC CHI PHÍ TÁI CHẾ (Fs) CÓ NHIỀU ĐỊNH MỨC CAO BẤT HỢP LÝ DO CHƯA TRỪ ĐI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM THU HỒI ĐƯỢC THEO NGUYÊN TẮC KINH TẾ TUẦN HOÀN, DỮ LIỆU CÓ NHIỀU BẤT CẬP:
1. Các nghiên cứu tham vấn có kết quả khác xa nhau, ảnh hưởng tới độ tin cậy
2. Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được
3. Chi phí quản lý hành chính không phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 08/2022/NĐ-CP
4. Nguy cơ tác động tiêu cực tới giá cả và người tiêu dùng.
Vì vậy, các Hiệp hội kiến nghị:
1) Kiểm tra lại tính hợp lý của các số liệu trong các nghiên cứu. Đề xuất cho các Hiệp hội được tiếp xúc với toàn văn 2 nghiên cứu để có góp ý cụ thể. Đưa thêm các đề xuất Fs từ 2 nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân và Liên minh Tái chế Việt nam vào xem xét. Chỉ sử dụng các số liệu hợp lý, được thẩm tra kỹ, để tính toán Fs.
2) Áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế (như mô hình Na Uy và Đan Mạch), bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử và phương tiện giao thông.
3) Các vật liệu khác: Fs = Chi phí tái chế x 110% - giá trị sản phẩm tái chế thu hồi được.
4) Với bao bì giấy hỗn hợp, bao bì đơn vật liệu mềm và đa vật liệu mềm: Kiến nghị sử dụng Fs là mức trung bình đề xuất của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
B. VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN EPR CẦN HƯỚNG TỚI HIỆU QUẢ VÀ GIẢM BỚT KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
1. Kiến nghị trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận
2. Kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.
3. Kiến nghị thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.
4. Cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế:
5. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng.
6. Bất cập khi một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được, ví dụ như pin Lithium, bị giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
7. Đề nghị làm rõ với bao bì chưa có giải pháp tái chế (non-recyclable), được tính theo nghĩa vụ xử lý chất thải hay nghĩa vụ tái chế.
Các Hiệp hội Doanh nghiệp rất mong những ý kiến đóng góp ở trên sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các thành viên Hội đồng EPR Quốc gia và VCCI nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo trình Chính phủ, đồng thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.