- Phát triển và nâng cao năng lực chế biến theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng và sản phẩm sử dụng ít nguyên liệu thủy sản. Từng bước hiện đại hóa công nghiệp chế biến thủy sản trên cơ sở cơ giới hóa, tự động hóa các công đoạn cần nhiều lao động và lao động nặng nhọc; thay thế dần các thiết bị lạc hậu, công nghệ cũ có mức tiêu hao nguyên liệu cao và sử dụng nhiều năng lượng.
- Phát triển chế biến thủy sản bền vững theo quy hoạch, gắn với phát triển vùng sản xuất nguyên liệu. Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi, khai thác, thu mua sơ chế và chế biến thủy sản trên cơ sở chuỗi giá trị và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo hệ thống, trong đó doanh nghiệp chế biến tiêu thụ thủy sản đóng vai trò chủ đạo. Phát triển chế biến thủy sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường, gắn với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
- Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá (cảng cá, chợ cá và các cơ sở dịch vụ hậu cần khác), thúc đẩy sự hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường và các vùng trọng điểm, các cụm công nghiệp làng nghề để khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng hệ thống chế biến thuỷ sản phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước để đến năm 2020 công nghiệp chế biến thuỷ sản của nước ta đạt trình độ tiên tiến của thế giới.