Theo đó, để khắc phục những khó khăn trước mắt do đại dịch, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng cá tra thích ứng với tình hình mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:
- Các địa phương cần liên kết, hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tốt khâu lưu thông, điều tiết nhân lực, xử lý các vướng mắc trong chuỗi ngành hàng cá tra và từ đó nhân rộng sang các chuỗi nông sản khác.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến.... để đảm bảo ổn định chuỗi sản xuất cá tra.
- Giao Tổng cục Thủy sản nắm chắc tình hình, chia sẻ thông tin chung toàn vùng, hỗ trợ các địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh nhằm duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu con giống, thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
- Giao Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ĐBSCL và các Hiệp hội VASEP, VINAPA tổng hợp số lao động cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh cá tra và các chuỗi nông sản khác; tham mưu Bộ văn bản đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia ưu tiên cung cấp đủ vắc xin phòng Covid-19 cho địa phương theo nhu cầu.
- Đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi ngành hàng cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh dựa trên thông tin, hướng dẫn của ngành Y tế, đồng thời, tích cực xây dựng thương hiệu và chiến lược thích ứng, phát triển lâu dài, bền vững.