Đến năm 2030 sẽ giảm dần số lượng tàu cá còn 83.600 chiếc

Đó là nội dung trọng tâm của Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phát triển khai thác thủy sản phải bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

 

Tàu cá Việt Nam

Tàu cá khai thác thủy sản ở Việt Nam

Theo đó, giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.  

Đến năm 2030, tổng số tàu cá chỉ còn khoảng 83.600 chiếc, cụ thể như sau: Vùng ven bờ (tàu cá từ 6<12 m) khoảng 39.000 chiếc, chiếm 46,6%; vùng lộng (tàu cá từ 12-<15m) khoảng 17.060 chiếc, chiếm 20,4%; vùng khơi (tàu cá ≥15 m) khoảng 27.540 chiếc, chiếm 33,0% tổng số tàu cá cả nước.

Đối với tàu theo nghề khai thác thủy sản: Nghề lưới kéo là 8.360 chiếc, chiếm 10,0%; nghề lưới vây là 5.110 chiếc, chiếm 6,1%; nghề lưới rê là 33.700 chiếc, chiếm 40,3%; nghề nghề câu là 15.840 chiếc, chiếm 18,9%; nghề lưới chụp là 2.480 chiếc, chiếm 3,0%; nghề lồng bẫy là 2.450 chiếc, chiếm 2,9%; nghề khác là 13.840 chiếc, chiếm 16,6% và nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là 1.820 chiếc, chiếm 2,2% tổng số tàu cá cả nước. 

Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức sản xuất thủy sản khai thác theo chuỗi giá trị, chú trọng tăng về giá trị sản xuất. Đến năm 2030, khoảng 80% tàu cá khai thác thủy sản ở vùng lộng và vùng khơi tham gia chuỗi liên kết sản xuất trên biển; Ứng dụng khoa và học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm khai thác, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển. 

Tàu cá Việt Nam

Phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí

Hình thành nguồn nhân lực tham gia khai thác thủy sản chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ và hội nhập quốc tế thông qua việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa trên tàu cá để giảm số lượng lao động trực tiếp trên tàu cá; Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lao động khai thác thủy sản, thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá. 

Tăng cường đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt tại các tuyến đảo, vùng biển khơi. Hình thành hệ thống liên hoàn, liên vùng cho dịch vụ hậu cần nghề cá, tận dụng vị trí địa lý phù hợp điều kiện tự nhiên và gắn với ngư trường khai thác thủy sản.

Xây dựng trạm cung cấp dịch vụ, hậu cần, sơ chế, bảo quản, trung chuyển sản phẩm trên các hải đảo. Tiếp tục tập trung đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm và trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long. 

Ngoài ra, đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản trên biển, chợ đầu mối, chợ đấu giá thủy sản và đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ khai thác thủy sản. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất vỏ tàu, máy tàu, ngư cụ; thiết bị thông tin, các công cụ, thiết bị phục vụ khai thác thủy sản,... 

Theo Tép bạc

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục