(vasep.com.vn) Tại hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm” tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh vào ngày 20/6/2017, đại diện Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, quy định công bố phù hợp quy định ATTP sẽ được đưa vào Tờ trình Chính phủ đề nghị xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục duy trì. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì những “vấn đề cần thiết” nhưng thuộc thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH thì Chính phủ phải xin ý kiến UBTVQH trước khi ban hành. Nhưng đây có thực sự là “vấn đề cần thiết” hay không là vấn đề cần được trao đổi...
Công bố hợp quy sản phẩm chế biến bao gói sẵn (quy định tại Điều 12, Luật ATTP) là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và “Thông báo tiếp nhận” hồ sơ công bố hợp quy của DN (Khoản 9 Điều 3 và Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật).
Trong khi đó, “công bố phù hợp quy định ATTP” quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ – CP là một quy định không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật ATTP.
Hơn thế, thủ tục “Công bố phù hợp quy định ATTP” đang được đánh giá là một thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp và không đạt được mục đích đảm bảo ATTP, đồng thời khiến cơ quan quản lý quá tải về mặt giấy tờ và không còn nguồn lực để thực hiện các việc chính của quản lý nhà nước là ban hành quy chuẩn kỹ thuật và thanh tra/kiểm tra.Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng phương thức hợp chuẩn hiệu quả hơn, minh bạch hơn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC & QCKT).
Tuy nhiên, theo thông tin từ đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) tại Hội thảo ngày 20/6/2017 trên thì, vấn đề này sẽ được đưa vào Tờ trình Chính phủ đề nghị xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho duy trì quy định này. Theo Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 thì những “vấn đề cần thiết” nhưng thuộc thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH thì Chính Phủ phải xin ý kiến UBTVQH trước khi ban hành. Nhưng đây có thực sự là “vấn đề cần thiết” hay không là vấn đề cần được trao đổi.
1. Thực trạng Bộ Y tế (BYT) triển khai ban hành QCVN để thực hiện luật ATTP:
Tại thời điểm Chính Phủ có báo cáo số 37/BC – CP ngày 3/2/2017 gửi Đoàn Giám sát của Quốc hội, BYT mới ban hành được 54 QCVN về thực phẩm (trong số hàng nghìn sản phẩm mà BYT đã, đang thực hiện việc cấp Giấy Tiếp nhận Công bố hợp quy (GTN), và Giấy Xác nhận công nố phù hợp quy định ATTP (GXN). Tuy nhiên, trong số 54 QCVN:
- Có tới 22 QCVN được ban hành trước khi có Luật này. Từ khi có luật này (17/6/2010, đến nay là tròn 7 năm) BYT chỉ ban hành được 32 QCVN.
- Đặc biệt, từ khi NĐ 38/2012 (ban hành 25/4/2012, đến nay là hơn 5 năm) có quy định công bố phù hợp quy định ATTP, BYT chỉ ban hành được 8 QCVN, trong đó, suốt các năm 2013, 2014 và nửa đầu 2015 không ban hành QCVN nào. Cũng không thấy BYT có văn bản chỉ đạo, phân công nào về xây dựng QCVN để thực hiện luật ATTP, NĐ 38/2012.
Theo Báo cáo số 37/BC – CP nói trên, giai đoạn 2011 – 2016, ngành Y tế đã cấp 152.109 GTN và GXN (BYT cấp 145.000), trong đó chỉ có 3408 GTN (chỉ chiếm 2,24%), còn lại 97,76% là GXN.
Tình trạng trên cho thấy có biểu hiện lợi dụng chế định Công bố phù hợp quy định ATTP tại NĐ 38/2012, không xây dựng các QCVN cần thiết (kể cả trong các lĩnh vực nóng bỏng về mất ATTP như bếp ăn tập thể, khu công nghiệp...), cứ duy trì tình trạng mập mờ, thiếu minh bạch của các quy định, dễ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đây là một sơ hở của NĐ 38/2012 đã bị lợi dụng.
2. Đánh giá của Chính Phủ tại báo cáo số 37/BC – CP ngày 3/2/2017 về quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP”.
Về các “Nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, nội dung không còn phù hợp; nội dung còn thiếu cần bổ sung”, Chính Phủ đánh giá:
Đối với Luật ATTP:
Công bố hợp quy và công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm ( Bình luận: Luật không quy định phải Công bố phù hợp quy định ATTP) không phù hợp với thông lệ quốc tế, ít hiệu quả trong triển khai trong thực tiễn:
- Đây là biện pháp quản lý theo phương thức “tiền kiểm” thực chất ít hiệu quả, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, cần chuyển sang áp dụng phương thức quản lý “hậu kiểm” (kiểm tra, thanh tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn do cơ sở công bố áp dụng) nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp;
- Biện pháp quản lý nêu trên không còn được sử dụng trong quản lý an toàn thực phẩm của các quốc gia trên thế giới;
- Từ khi Luật có hiệu lực thi hành, việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm thực phẩm nói chung và nhóm thực phẩm phải thực hiện công bố hợp quy nói riêng của các Bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Thực tế hiện nay, tổ chức/cá nhân đang tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định của Luật, quy định của các Bộ và ngành Y tế đang chủ yếu dựa vào hồ sơ đăng ký để cấp giấy xác nhận công bố.
Từ đánh giá trên, Chính Phủ kiến nghị Bỏ các quy định sau:
- Khoản 3 Điều 12 quy định “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”;
- Khoản 1 Điều 18 quy định “Đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường” đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Điểm a, Khoản 1 Điều 38 quy định “Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu” đối với thực phẩm nhập khẩu.
Hai ví dụ về thời gian xin giấy tiếp nhận hợp quy kéo dài hơn 4 tháng, mất thời gian công sức của doanh nghiệp
Đối với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Chính phủ đánh giá:
Một số nội dung còn bất cập trong thực tiễn triển khai:
- Công bố phù hợp quy định ATTP (nội dung chưa được quy định trong Luật);
- Đối tượng không phải công bố hợp quy (nguyên liệu nhập khẩu để chế biến xuất khẩu, thực phẩm xuất khẩu);
- Đối tượng miễn kiểm tra khi nhập khẩu (quà tặng, tạm nhập tái xuất, nguyên liệu để chế biến xuất khẩu).
Từ đánh giá trên, Chính Phủ đề nghị sửa đổi Nghị định để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn kể trên.
3. Về khoản 3 điều 3 (Nguyên tắc quản lý ATTP) luật ATTP:
Theo lập luận của đại diện BYT tại cả hội nghị 20/6/2017 và Hội thảo ngày 30/6/2017, thì quy định “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại NĐ 38 là đúng luật ATTP, bởi: khoản 3 Điều 3 luật này có quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng”; và, theo luật TC& QCKT thì, đối với sản phẩm đã có QCKT thì phải công bố hợp quy, đối với sản phẩm chưa có QCKT nhưng đã có quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải Công bố phù hợp với các quy định đó.
Việc đánh đồng QCKT với Quy định của cơ quan nhà nước để rồi buộc áp dụng các quy định, thủ tục của Luật TC & QCKT cho những sản phẩm chưa có QCKT là lập luận có tính chất nguỵ biện, thiếu cơ sở.
1. Với cách tiếp cận theo chiều dọc, chia sản phẩm thành 2 nhóm là sản phẩm đã có QCKT và sản phẩm chưa có QCVN mà chỉ có tiêu chuẩn, Luật TC & QCKT chỉ có quy định Công bố hợp chuẩn, Công bố hợp quy để áp dụng cho những sản phẩm đã có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, đối với những sản phẩm theo quy định của pháp luật phải quản lý bằng QCKT thì phải thực hiện thủ tục Công bố hợp quy và đây là thủ tục bắt buộc. Với sản phẩm chỉ có tiêu chuẩn thì công bố hợp chuẩn.
2. Với cách tiếp cận theo chiều ngang thì tất cả sản phẩm đều có thể thực hiện công bố hợp quy nếu ban hành quy chuẩn theo mối nguy của từng nhóm sản phẩm (mối nguy vi sinh vật, hóa học (kim loại nặng, vi nấm, kháng sinh)...).
Luật TC & QCKT hoàn toàn không có quy định nào về Công bố phù hợp quy định của pháp luật đối với những trường hợp chưa có QCKT. Hay nói cách khác, Luật TC & QCKT không điều chỉnh các quy định không phải là TC & QCKT. “Quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành” quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật ATTP dẫn trên không phải là quy chuẩn kỹ thuật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật TC & QCKT nên không thể áp dụng các quy định, thủ tục của luật TC & QCKT đối với trường hợp này. Tức là, nếu là “Quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành” (ở đây là BYT) thì doanh nghiệp phải tuân thủ, nhưng không phải tuân thủ theo cách phải làm thủ tục hành chính “Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” và BYT không có quyền cấp GXN phù hợp ATTP cho các trường hợp này.
Chính sự đánh đồng 2 quy định có nội hàm khác nhau, được điều chỉnh bởi các luật khác nhau phân tích trên đã làm cho phần lớn các trường hợp bị làm thủ tục oan. Như số liệu được trích dẫn từ báo cáo số 37/BC - CP ở trên, 97,76% trong số 152.109 hồ sơ, nếu thực hiện đúng luật thì không phải làm thủ tục Công bố phù hợp, nhưng vì làm không đúng luật nên đã phải thực hiện thủ tục này. Hay nói cách khác, chỉ có 2,24% là làm đúng theo luật, còn phần áp đảo - 97,76% là làm không đúng luật.
Hệ quả là, cộng đồng doanh nghiệp đã lãng phí hàng triệu ngày công và những khoản tài chính rất lớn và chính những khoản tài chính này lại được tính vào giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng. Với số lượng 152.000 GXN/GTN nêu trên, theo chào giá 2017 của các tổ chức dịch vụ xin cấp các giấy này, tổng chi phí cho việc này (chỉ gồm việc nộp hồ sơ, nhận kết quả) tối thiểu (2 triệu đồng/hồ sơ) là khoảng 304 tỷ đồng, trung bình (6 triệu đ/hồ sơ) là khoảng 912 tỷ đồng.
Đó là chưa kể phí phân tích sản phẩm (từ hàng triệu đến hàng trăm triệu đồng/sản phẩm) và trị giá mẫu sản phẩm (thường là 3 mẫu, có mẫu trị giá hàng triệu đồng và đối với nhiều sản phẩm, sau khi mở thùng hàng lấy mẫu, phần còn lại trở thành hàng phế phẩm). Tổng cộng 3 khoản phí trên, trong giai đoạn 2011 – 2017, các DN đã phải chi trả cả ngàn tỷ đồng cho thủ tục công bố này (chủ yếu là công bố phù hợp ATTP). Nếu DN tự làm thì chi phí chưa hẳn đã thấp hơn, thậm chí cao hơn, do không có quan hệ thường xuyên nên nhiều trường hợp bị vặn vẹo và gây khó hoặc phải có khoản “bôi trơn”.
(Một trường hợp tương tự là quy định về thu tục Xác nhận khai báo hoá chất quy định tại NĐ 26/2011/NĐ-CP và Thông tư 40/2011/TT-BCT đã được Bộ Công thương bãi bỏ).
Kết luận và kiến nghị
Quy định Công bố phù hợp quy định ATTP tại NĐ 38 là quy định ngoài Luật ATTP và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật.
Thực tiễn cho thấy việc Công bố phù hợp quy định ATTP không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý ATTP, không có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng, mà chỉ gây khó khăn, tốn kém không cần thiết cho cả DN và nhà nước, bức xúc cho DN.
Đã có sự đồng thuận rất cao từ Chính phủ, lãnh đạo Chính Phủ, nhiều Bộ ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học & Công nghệ..., cộng đồng DN về đánh giá, giải pháp.
Vì vậy, đề nghị không cần thiết duy trì quy định này, mà cần bãi bỏ ngay tại Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 38/2012 lần này để thay thế bằng phương thức minh bạch, hiệu quả hơn theo quy định tại Luật TC & QCKT.
Cụ thể:
- Đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Đièu 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.
- Việc kiểm tra: Thực hiện như kiến nghị của Chính Phủ tại báo cáo số 37/BC-CP là “hậu kiểm” (thanh tra, kiểm tra).
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡngcần có mức giới hạn để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng do sự trì trệ của BYT và các Bộ liên quan khác nên chưa có QCVN, cần có giải pháp trước mắt. Để xử lý bất cập này, đề nghị Chính Phủ, một mặt, yêu cầu các Bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN; mặt khác, giao BYT và các Bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ các quy định đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra./.