Doanh nghiệp sẽ cân nhắc lại việc mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới, nếu chi phí lao động tại Việt Nam không cạnh tranh so với các quốc gia khác, nhất là khi giờ làm việc trong tuần của lao động giảm xuống, theo quy định được nêu tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Doanh nghiệp cân nhắc lại việc mở rộng sản xuất
“Nếu chi phí sản xuất (bao gồm lao động) tại Việt Nam không cạnh tranh so với ở các nước khác, thì tại sao chúng tôi phải tiếp tục đầu tư?”, bà Phạm Thị Hồng Yến, Giám đốc nhân sự Intel Việt Nam thẳng thắn phát biểu tại Hội thảo Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.
Không chỉ Intel Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp ở mọi ngành đều phản ứng về quy định thời gian làm việc trong tuần tại Điều 107 (Chương 7) của Dự thảo, khi giờ làm việc trong tuần của nhân công giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ.
Bà Hồng Yến lý giải, nếu mỗi lao động chỉ làm 44 giờ/tuần, thì sẽ chỉ đạt 86% số giờ yêu cầu quy chuẩn trong hệ thống Intel toàn cầu. Kéo theo đó là gia tăng chi phí tăng ca, chưa kể, năng suất lao động thấp làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp gia công trong ngành điện tử.
Intel tính toán, dựa trên tiêu chuẩn của Liên minh Các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (RBA), cần ít nhất mỗi lao động làm việc 60 giờ/tuần, nếu giảm 4 giờ/tuần, nhân với 52 tuần trong năm, thì doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm số lượng nhân công khổng lồ, trong khi tình hình tuyển dụng lao động hiện nay tại Việt Nam đang vô cùng khó khăn.
Intel Việt Nam không những phải cạnh tranh với đối thủ trong ngành, mà còn phải so sánh chi phí sản xuất với Intel tại các quốc gia khác. Giám đốc nhân sự Intel Việt Nam cho biết, bà phải trả lời các cấp lãnh đạo cao hơn rằng: tại sao phải đặt nhà máy tại Việt Nam, nếu chi phí nhân công không có lợi thế hơn một quốc gia khác?
Đặt câu hỏi, liệu người lao động có được hưởng lợi nếu giảm số giờ làm việc mỗi tuần (còn 44 giờ), bà Yến phân tích: “Trước đây, cần 60 giờ/tuần/lao động để tạo ra 1.000 sản phẩm. Nếu người lao động chỉ cần 44 giờ/tuần mà vẫn đảm bảo năng suất trên, thì chúng tôi sẽ trả bằng lương họ làm 60 giờ. Còn nếu không đảm bảo năng suất, thu nhập của người lao động không đủ sống, mà yêu cầu doanh nghiệp phải trả thêm, là không khả thi”.
Được biết, 6 hiệp hội cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa soạn thảo công văn đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này. Đại diện các đơn vị còn tính toán, nếu giảm thời giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần, thì một doanh nghiệp sản xuất có 1.000 lao động cần tuyển thêm ít nhất 90 lao động mới có thể sản xuất cùng một khối lượng trong năm.
Cần ưu tiên tăng năng suất lao động
Tiêu chuẩn về số giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh… đều là 48 giờ/tuần. Các doanh nghiệp cho rằng, khi ban hành luật liên quan đến mối quan hệ nhạy cảm giữa doanh nghiệp và người lao động, cần tham khảo tiêu chuẩn của các quốc gia tương đồng.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, chi phí lao động không chỉ thể hiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia, vì tất cả chi phí sẽ thể hiện qua giá thành sản phẩm.
“Nhà soạn thảo luật có thể nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người lao động, nhưng nếu doanh nghiệp không còn khả năng trả lương, thu hẹp sản xuất, các thương hiệu chuyển đi quốc gia khác…, thì người lao động chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Sự “khập khiễng” giữa tiền lương và năng suất lao động cũng là điều Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) đề cập khi góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội cho rằng, tiền lương đã tăng và bỏ xa tốc độ tăng năng suất lao động trong 5 năm qua tại Việt Nam. Cùng với đó, các điều khoản tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đang tạo sự “thiếu cạnh tranh đáng kể của Việt Nam so với khu vực”, đặc biệt liên quan đến giới hạn làm thêm giờ hàng năm, chi phí lũy tiến làm thêm giờ ngày lễ, Chủ nhật, giảm thời gian làm việc trong tuần.
“Có xu hướng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam của các nhà máy, nhưng họ còn khảo sát và cân nhắc về chi phí lao động của Việt Nam liệu có cạnh tranh. Vì vậy, những thay đổi của Bộ luật Lao động có thể ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư”, ông Adam Sitkoff nói.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động). Tuy nhiên, năng suất này vẫn thua xa nhiều nước ASEAN khi chỉ bằng 1/30 lần năng suất lao động của Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines.
(Theo báo đầu tư)