Hiếm có một cuộc thảo luận luật nào lại trải qua các cung bậc cảm xúc trái chiều, thậm chí có nước mắt, như cuộc thảo luận về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi trong suốt cả ngày hôm qua.
Bộ luật này liên quan tới 53 triệu người trong độ tuổi lao động, tức là hơn một nửa dân số của đất nước.
Cho đến trước khi khai mạc Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã trực tiếp tham dự 40 cuộc thảo luận quanh dự thảo, nói một cách đầy cảm xúc, rằng ông cảm thấy rất băn khoăn khi các ý kiến, quan điểm của các bên liên quan lại ngày càng trở nên “đối kháng” đến mức như thế này.
Diễn biến ở Quốc hội trong suốt cả ngày hôm qua cho thấy cảnh báo của ông Lợi.
Bênh vực cho phía những người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm “nghẹn ngào khóc” nói: “Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm".
Cũng theo tinh thần đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân vừa trích cả Karl Marx, vừa trích dẫn cả nhà tư bản Henry Ford để phản đối tăng giờ làm thêm.
Những ý kiến đại diện như trên và còn nhiều ý kiến khác để bảo vệ quan điểm, cần phải giảm số giờ làm việc trong tuần, số giờ làm thêm trong năm, tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động, để đảm bảo họ không bị “bóc lột”.
Trong khi đó, lại có rất nhiều ý kiến khác lo ngại tác động của các đề xuất trên đến doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
Quan điểm của Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, người chủ trì xây dựng và bảo vệ Bộ luật, là nổi bật nhất và đại diện cho Chính phủ.
Ông giải thích, thời gian làm việc bình thường hiện nay theo luật hiện hành là 48 giờ/tuần, và có khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Hiện nay có gần 90% doanh nghiệp đang thực hiện 48 giờ, 3,6% thực hiện 44 giờ, 6,8% thực hiện 40 giờ. Hiện nay 10 nước Asean có 8 nước bố trí 48 giờ như Việt Nam, trừ Singapore và Indonesia có thời gian làm việc ít hơn. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 2018 là 65.000 đô/người/năm, gấp 12 lần Việt Nam.
“Người ta tính toán nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thời gian lao động càng tăng lên”, ông Dung.
Với Việt Nam, ông Dung giải thích, nếu như giảm 48 giờ xuống 44 giờ thì tổng thời gian giảm là 208 giờ; tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 17%; tổng giá trị xuất khẩu sẽ giảm đi khoảng 20 tỷ đôla mỗi năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.
“Chúng ta là một quốc gia đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Nếu muốn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp thì Việt Nam phải phấn đấu có tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%”, ông nói.
Tất nhiên, Chính phủ đang xin đại biểu Quốc hội cho tăng giờ làm.
Đây là điểm đại biểu Vũ Tiến Lộc ủng hộ. Ông bảo vệ quan điểm, số giờ làm việc là 48 giờ/tuần và nới giờ làm thêm 400 giờ/năm cho một số ngành nghề đặc biệt như chế biến nông thủy sản, dệt may, da giày, điện tử.
Ông đề nghị Quốc hội cần tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền có việc làm và được làm thêm để có thêm thu nhập chính đáng của người lao động.
“Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng một con thuyền hãy tin tưởng quyền tự quyết của họ và sức sống của thị trường lao động nước ta”, ông Lộc nói tha thiết.
Ngoài hội trường, sự quan tâm của xã hội về giờ làm thêm cũng rất sâu sắc và đa dạng.
Đề nghị của ông Lộc khá tương đồng với một khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đầu năm nay, theo đó, tuyệt đại đa số người lao động được phỏng vấn (221/222) đề xuất Nhà nước không nên cấm làm thêm giờ vì lý cho cơ bản là họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Có mấy doanh nghiệp dệt may kể lại, đối tác nước ngoài của họ đã chuyển nguyên liệu vào tận kho ở Hưng Yên, nhưng sau khi tính toán số lao động, công suất và so sánh với Luật lao động VIệt Nam thì họ thấy các doanh nghiệp dệt may này có thể vi phạm Luật lao động, nên họ chở nguyên liệu đi sang quốc gia khác. Vậy là cả công ty không có việc, ngồi chơi dài. Luật đã bó chặt doanh nghiệp.
Hơn nữa, thị trường lao động bây giờ khá là cạnh tranh, doanh nghiệp nào trả lương thấp, giờ làm việc nhiều là công nhân bỏ ngay sang công ty khác có môi trường làm việc tốt hơn. Quy định "giảm giờ làm" là can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, đối tượng đã chịu tác động lớn của các quy luật thị trường, của đơn hàng.
Đó chỉ là một trong những thực tế mà cả doanh nghiệp và người lao động đang phải đối mặt. Vận mệnh của doanh nghiệp và người lao động giờ đây là tương thông, tương đồng chứ đâu phải “đấu tranh giai cấp” như nhiều thập kỷ trước đây. Doanh nghiệp phải có đơn hàng thì người lao động mới có việc làm và thu nhập.
Quan trọng hơn, một nền kinh tế còn ở mức thu nhập trung bình thấp, thâm dụng lao động thì người dân, năng suất lao động còn thấp thì người lao động, người chủ doanh nghiệp và công chức nhà nước phải nỗ lực lao động nhiều hơn để phát triển.
Ngay trong Luật lần này, cả Chính phủ và Quốc hội đều đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động, nam lên 62, nữ lên 60. Đó chẳng phải theo tinh thần phải gia tăng lao động, khi thời kỳ dân số vàng đang trôi qua. Vậy vì sao một mặt phải đòi hỏi những người lao động phải “tăng tuổi nghỉ hưu”, và mặt khác lại đòi “tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm”. Đó là những mâu thuẫn lớn khó lý giải của dự thảo luật.
Có nhà kinh tế nhắn nhủ, để có nền kinh tế như bây giờ, thì thế hệ mấy chục năm trước của Nhật Bản, Hàn Quốc, thế hệ hơn trăm năm trước của Đức, Anh, Mỹ, đã vùi đầu 16-18h/ngày trong các nhà máy, công xưởng.
Trước hết, Việt Nam chúng ta phải nâng cao tinh thần và hiệu suất làm việc của tất cả người lao động, của cả nền kinh tế. Luật lao động, vì thế, không thể và không nên can thiệp vào quyền được lao động, quyền có thu nhập của cả doanh nghiệp và người lao động bởi tất cả họ đang đều ở trên một con thuyền.
(Theo vietnamnet)