Giảm 9% giờ làm, mất 2 tỷ USD xuất khẩu?

Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) không đồng ý phương án giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần và lo ngại tác động tiêu cực nếu giảm giờ làm.

2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu da giày có thể sẽ bị mất đi khi giờ làm việc giảm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần.

Lefaso đã tính toán trong đánh giá tác động về đề xuất giảm thời gian làm việc mà Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang đưa ra.

Cụ thể, Lefaso tính toán, nếu giảm giờ làm việc còn 44 giờ/tuần, tức là sẽ giảm khoảng 9% thời giờ làm việc so với 48 giờ/tuần như hiện nay. Với phương thức khoán sản phẩm cho người lao động mà phần lớn các doanh nghiệp da giày đang thực hiện, tính trên tổng số lao động đang sử dụng trong ngành là khoảng 1,5 triệu người, thì số lượng sản phẩm người lao động làm được cũng sẽ bị giảm xuống tương ứng tỷ lệ giảm là 9%.

“Tỷ lệ sản phẩm giảm sẽ kéo theo kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giầy bị giảm xuống khoảng 9%/năm Với kim ngạch xuất khẩu ngành da giầy dự kiến đạt trên 20 tỷ USD trong những năm tới thì mỗi năm ngành da giầy sẽ mất gần 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso cho biết một cách cụ thể.

Ngành da giầy được coi là một trong những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, chiếm 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đã đạt trên 10,33 tỷ USD và dự kiến trong những năm tới kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy sẽ đạt trên 20 tỷ USD.

Việc quy định giảm xuống 44 giờ/tuần sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí rất lớn của doanh nghiệp, đây là lý do Lefaso cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng bố trí làm thêm giờ. Chưa kể các giới hạn về làm thêm giờ cũng buộc doanh nghiệp và người lao động không thể có những thoải thuận về việc này một cách thuận lợi.

“Khi đó, doanh thu của doanh nghiệp và chế độ lương, thưởng của người lao động cũng sẽ bị giảm theo, đặc biệt là những người lao động làm việc theo phương thức khoán sản phẩm thì tác động tiêu cực đến thu nhập của họ từ việc giảm giờ làm là rõ ràng và trực tiếp nhất”, bà Xuân phân tích.

Nhưng ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận các phương án làm thêm giờ, thì chi phí làm thêm giờ sẽ được doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghĩa là, giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của ngành da giầy nói riêng lên sẽ bị đẩy lên, điều đó sẽ làm cho các sản phẩm da giầy càng trở nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường trong nước và các sản phẩm tương tự tại thị trường xuất khẩu.

Trong văn bản gửi Cục An toàn lao động,  Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội về việc đánh giá các tác động của một số đề xuất mới của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Lefaso đã nhắc tới khả năng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp da giầy Việt Nam sẽ bị suy giảm và về lâu dài nếu không có giải pháp khắc phục sẽ khiến cho doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

“Từ những tác động tiêu cực chúng tôi phân tích nêu trên thì việc quy định giảm giờ làm việc không thể không ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn thu thuế của Nhà nước từ các doanh nghiệp”, Lefaso nhấn mạnh quan điểm.

(Theo báo đầu tư)

 

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM