Số hóa hệ thống nghề cá để sớm gỡ thẻ vàng IUU

Tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2022 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ngày 22/6, vấn đề gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC) được các doanh nghiệp nêu lên với nhiều khó khăn, tồn tại.

Chú thích ảnh

Hội nghị toàn thể hội viên năm 2022 của VASEP

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nêu rằng, kể từ khi EC đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác cũng còn quá nhiều hạn chế.

Trong khi đó, IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Cụ thể, Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cũng cho biết, VASEP vừa tổ chức chuyến công tác tại 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các ngư dân, cảng cá, các Chi cục thủy sản trong hơn 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU. Theo đó, đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá, thời gian qua có tình trạng các tàu tắt định vị khi đi tới vùng biển có cá nhằm “giữ vùng biển đó cho riêng mình”. Điều này là vi phạm quy định. Việc ghi chép nhật ký khai thác cũng còn nhiều sai sót.

Về cảng cá, bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ: “Khi tới cảng cá Tam Quan, tôi rất bất ngờ khi tại cảng có rất nhiều tàu thuyền, nhưng cơ sở vật chất của cảng lại rất sơ sài. Các hồ sơ, giấy tờ cũng đều làm bằng tay, rất sơ sài”.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn nhiều tàu đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là tại các địa phương Kiên Giang, Vũng Tàu, Khánh Hòa. Việc vẫn còn tàu đánh bắt bất hợp pháp khiến cho việc gỡ “thẻ vàng” trở nên khó khăn.

Từ những thực tế đó, bà Nguyễn Thi Thu Sắc kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các cảng cá. Đồng thời cần số hóa hệ thống nghề cá để lưu trữ các số liệu, qua đó hỗ trợ cho quá trình gỡ “thẻ vàng” IUU.

VASEP cho biết, ngay sau khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU, VASEP đã thành lập Ban điều hành và “chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” từ 2017 với nhiều hoạt động trong việc đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ thẻ vàng IUU của EC. Qua đó đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hải sản thành viên thực hiện các cam kết chống khai thác IUU như hỗ trợ hoàn thiện tài liệu, hồ sơ IUU. Cùng với đó, đã đề xuất, góp ý các văn bản pháp lý liên quan với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban điều hành cũng đã có các hoạt động hợp tác với các bên và hợp tác quốc tế như phối hợp với các địa phương tổ chức các buổi làm việc với ngư dân để nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chống khai thác IUU tại địa phương; phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định về chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, truyền thông các hành động của Việt Nam về chống khai thác IUU trên các kênh thông tin của VASEP và báo, đài trung ương, địa phương; xây dựng và phát hành các brochure và clip cho các đối tượng trong chuỗi khai thác, chế biến hải sản về IUU.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt kết quả hết sức ấn tượng với kim ngạch 4,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021. Theo VASEP, mức tăng mạnh mạnh này một phần là do có lượng nguyên liệu tồn kho từ cuối năm 2021 và nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng từ cuối năm 2021 với giá cao.

Nhu cầu tăng, các chi phí đầu vào tăng, nên giá trung bình xuất khẩu sang các thị trường đều tăng, nhất là cá tra, là nguyên nhân chính làm nên tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong những tháng qua.

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thuỷ sản sang 160 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số, tăng từ 16 – 90% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, vì xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4.

Bảo Ngọc (Theo Hải quan online) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục