Siết chặt quản lý tàu cá quyết tâm khắc phục thẻ vàng

Tỉnh Kiên Giang đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp, siết chặt quản lý tàu cá, quyết tâm khắc phục cảnh báo thẻ vàng về thủy sản.

Quản lý tàu cá từ cảng

Kiên Giang là tỉnh có ngư trường biển Tây rộng lớn, có nghề đánh bắt cá phát triển mạnh, với đội tàu khai thác lên đến gần 10 ngàn chiếc.

Theo đó, cảng cá, bến cá cũng được mở ở nhiều địa phương ven biển, các đảo phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Sau khi đánh bắt trên biển, tàu về có chỗ lên hàng, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục chuyến biển mới.

Siết chặt quản lý tàu cá quyết tâm khắc phục thẻ vàng
Tàu cá về cặp cảng lên hàng tại cảng cá Tắc Cậu được quản lý chặt chẽ, đúng theo quy định.

Ông Ngô Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá Kiên Giang cho biết, trong số các cảng cá trên địa bàn tỉnh thì Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành) và Cảng cá An Thới (TP Phú Quốc) chính thức được UBND tỉnh ký quyết định công bố mở cảng kể từ ngày 1/10/2020. Đây cũng là 2 cảng cá của tỉnh được Bộ NN-PTNT chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá Kiên Giang đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện các giải pháp cùng với các ngành có liên quan quyết tâm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về thủy sản của Việt Nam.

Trong đó, Ban Quản lý đã tập trung triển khai thực hiện việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tờ rơi, loa truyền thanh cho nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và hoạt động của cảng.

Nhất là tập trung tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, Chỉ thị 45/CT-TTg, Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, Kế hoạch 134/KH-UBND ngày 10/9/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc kiểm tra tàu cập cảng, giám sát sản lượng bốc dỡ hàng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Ngoài ra, còn tuyên truyền một số quy định ngư dân cần biết về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Và một số điều cần biết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

Qua công tác tuyên truyền, đa số ngư dân đã hiểu, nắm bắt được các quy định và thực hiện khá tốt. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, Hội cũng đã phối hợp thực hiện nhiều lần tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản, tác hại của việc thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Đa số bà con ngư dân thực hiện tốt các quy định.

Ngay sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều tàu cá đã về cặp cảng lên hàng tại cảng cá Tắc Cậu. Ảnh: Trung Chánh.
Ngay sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều tàu cá đã về cặp cảng lên hàng tại cảng cá Tắc Cậu.

“Giờ tất cả các tàu cá ra biển đánh bắt là đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình, chủ tàu ngồi tại nhà cũng rõ tàu đang khai thác, hoạt động ở vùng biển nào. Chỉ cần vi phạm vùng biển nước ngoài là có lực lượng chức năng liên hệ buộc phải đưa tàu về khai thác đúng vùng biển cho phép. Chỉ những chủ tàu vì áp lực nợ nần khi đóng tàu, làm ăn thu lỗ nên làm liều, cố tình vi phạm mới bị nước ngoài bắt giữ. Chứ không phải họ không được tuyên tuyền, không hiểu biết”, ông Ngữ cho biết.

Tiếp tục tuyền truyền, phối hợp quản lý

Theo ông Lâm, thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật về thủy sản cho nhân viên Ban quản lý, doanh nghiệp, nậu vựa thu mua, chủ tàu, thuyền trưởng, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cảng.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật thủy sản. Hướng dẫn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy hải sản hợp pháp, đặc biệt là tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam.

Cảng cá Tắc Cậu là một trong hai cảng cá của tỉnh Kiên Giang được chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.
Cảng cá Tắc Cậu là một trong hai cảng cá của tỉnh Kiên Giang được chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản.

“Không chỉ tuyên truyền, Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá Kiên Giang còn còn ký kết quy chế phối hợp với tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các chủ nậu, vựa thu mua hải sản trong khu vực cảng cá Tắc Cậu về công tác quản lý hoạt động của ban quản lý cảng cá, bắn cá. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng, Văn phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá Tắc Cậu (thực Chi cục Thủy sản Kiên Giang) trong việc kiểm tra, kiểm soát tàu cập cảng, rời cảng theo quy định. Kết quả, trong năm 2020 đã hoàn thành và chuyển gần 2.500 bộ hồ sơ tàu cập cảng, lên hàng thủy sản cho Chi cục Thủy sản tỉnh lưu trữ, phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát khi cần”, ông Lâm cho biết.

Việc siết chặt quản lý tàu cá hoạt động trên biển, kiểm tra giám sát tàu cập cảng, rời cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo đúng quy định, đã góp phần thực hiện tốt một số giải pháp cấp bách khắc phục một số khuyến nghị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về thủy sản Việt Nam.

Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, là tỉnh có số lượng tàu cá lớn, chiếm gần 20% tổng số lượng tàu cá của cả nước, do đó ngay từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, tỉnh Kiên Giang  đã tổ chức tuyên truyền, từ cán bộ quản lý nhà nước cho đến người dân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, tập huấn cho tất cả các cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ trong lĩnh vực thủy sản, để thực thi cũng như hướng dẫn ngư dân thực hiện hiệu quả.

Về công tác quản lý tàu cá, tỉnh đã tập trung cho việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, trong tổng số gần 3.900 tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì chỉ còn 30 tàu nữa là hoàn thành. Số tàu chưa lắp này phần lớn là tàu nằm bờ, tàu đã ngưng hoạt động… Song song đó, tỉnh cũng tập trung đánh dấu tàu cá, cấp phép khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng những yêu cầu do Luật Thủy sản mới đề ra.

Hướng tới khai thác bền vững, Kiên Giang đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản, để trên cơ sở đó định hướng cho việc cấp phép tàu cá khai thác. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động khai thác trên biển. Phối hợp với các địa phương làm tốt việc phân cấp quản lý, phân công nhiệm vụ để thực hiện tốt Luật Thủy sản.

Lực lượng Biên phòng tham gia cùng với Ban quản lý cảng cá, bến cá, kiểm tra tàu ngay từ khi xuất bến, yêu cầu phải có đầy đủ các thủ tục theo quy định của nhà nước thì mới cho ra khơi đánh bắt. Các chủ phương tiện hoặc thuyền trưởng phải ký cam kết không vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm về vùng biển nước ngoài khi tham gia đánh bắt trên biển.

Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Nghị quyết về chống khai thác thủy sản bất hợp, không khai báo và không theo quy định. Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ra các chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo chỉ đạo để chỉ đạo, thực hiệm các giải pháp nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của châu Âu đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

PHÚC NGHI

 

Xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hợp pháp

Ngày 12/10/2020, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 3997/QĐ-BNN-TCTS, về việc công bố Danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác (đợt 2 năm 2020). Theo Quyết định này, Kiên Giang có 2 cảng cá là cảng cá Tắc Cậu và cảng cá An Thới được được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Ông Ngô Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá Kiên Giang cho biết, thực hiện theo quyết định nói trên, trong năm 2020, Ban quản lý đã tiếp nhận thẩm định và ký xác nhận 16 bộ hồ sơ cho 6 doanh nghiệp với sản lượng 407 tấn thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong đó, cảng cá Tắc Cậu xác nhận 13 bộ hồ sơ, với sản lượng 182 tấn, cảng cá An Thới xác nhận 3 bộ hồ sơ, với sản lượng 125 tấn.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục