Những ngày đầu năm Quý Mão, ngư dân nhiều tỉnh thành đã vươn khơi và trúng đậm nhiều mẻ cá. Tuy nhiên, bắt đầu mùa đánh bắt đầu năm, chính quyền các địa phương đã rốt ráo chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngư dân tỉnh Bình Định trở về sau vụ đánh bắt xuyên tết. Ảnh: NGỌC OAI
Ngày 2-2, ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, trong 3 ngày trở lại đây, thời tiết thuận lợi, biển lặng, nhiều bà con ngư dân trên địa bàn đã ra khơi những chuyến biển đầu năm mới Quý Mão 2023 và liên tiếp trúng đậm các mẻ cá cơm, bán được giá thành cao. Toàn xã Kỳ Xuân bình quân mỗi ngày sản lượng đánh bắt được khoảng 5 tấn. Sau khi cập bờ, cá cơm biển được bán cho thương lái, đưa ra các chợ đầu mối, nhà hàng, với giá dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg.
Cũng trong dịp này, nhiều bà con ngư dân ở các địa bàn vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cũng ra khơi và liên tiếp đánh bắt trúng đậm cá cơm…
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, trong dịp Tết Quý Mão 2023, bà con ngư dân trên địa bàn toàn tỉnh đã ra khơi và khai thác được khoảng 3.000 tấn hải sản các loại, tổng giá trị kinh tế ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
Tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, dịp Tết Nguyên đán, có gần 3.000 tàu cá của tỉnh vươn khơi đánh bắt xuyên tết. Hiện các tàu cá đã về bờ bán hải sản, ước tính sản lượng đạt gần 16.000 tấn, trong đó gần 1.200 tấn cá ngừ đại dương. Ngành thủy sản tỉnh Bình Định đặt mục tiêu, trong năm 2023, sản lượng khai thác hải sản trên biển đạt 275.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương 12.000 tấn…
Trong khi đó, theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, ngay sau Tết Nguyên đán, đã có hơn 3.000 tàu cá trong tỉnh ra khơi “mở biển” đầu năm đánh bắt vụ cá Bắc. Năm 2023, Thanh Hóa đặt mục tiêu đánh bắt hơn 208.000 tấn hải sản, trong đó tập trung vào các loại hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ngày 2-2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phân công lực lượng ứng trực 24/24 để giám sát, cảnh báo kịp thời, đồng thời lưu trữ các chứng cứ có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài…
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa có văn bản giao Công an tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tiếp tục xác minh vụ việc 16 tàu cá của tỉnh tự tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình khi chưa được phép của cơ quan chức năng. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra các quyết định xử phạt 4 chủ tàu cá cùng ngụ tại huyện Long Điền tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng vì không có nhật ký khai thác và che giấu chứng cứ vi phạm…
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu 100% chủ tàu cá, thuyền trưởng hoạt động vùng khơi ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để quản lý, kiểm soát chặt chẽ; kiểm tra, kiểm soát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động tại vùng khơi thông qua hệ thống giám sát tàu cá; hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.
Bảo Ngọc (Theo báo Sóc Trăng)