(vasep.com.vn) Theo điều tra của THISDAY, Nigeria mất 600 triệu USD mỗi năm vì các đội tàu nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp và không khai báo, đây là kết quả của việc thiếu thiết bị như Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và Hệ thống Giám sát tàu (VMS), và nhân lực phù hợp để kiểm soát bờ biển rộng lớn của nước này.
Nigeria cũng đã chi 800 triệu USD mỗi năm để nhập khẩu cá, hiện đang là nước nhập khẩu cá lớn thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Nigeria nhập khẩu các loài cá đông lạnh gồm: cá thu, cá trích, cá sòng, cá tuyết xanh, cá trích Bắc Đại Tây Dương và cá lù đù.
Cuộc điều tra cũng tiết lộ rằng các nhà cung cấp hàng đầu cho nước này là Mỹ và Chile, nhưng cá cũng cũng có nguồn gốc từ châu ÂU, châu Á cũng như một số nước châu Phi, bao gồm: Mauritania, Algeria và Mauritius.
Nhu cầu tiêu thụ cá hàng năm của Nigeria ước tính khoảng 3,32 triệu tấn trong khi sản lượng khai thác trong nước chỉ khoảng 1,12 triệu tấn. Điều này cho thấy sự thâm hụt 2,2 triệu tấn, con số này được bù đắp thông qua NK.
Tài liệu “Các hoạt động tội phạm nghề cá tại khu vực ven biển Tây Phi” cho thấy Nigeria đã chi khoảng 800 triệu USD để nhập khẩu cá bù đắp vào lượng thiếu hụt này. Theo tài khoản này, Nigeria trong năm 2018 đã NK 74 triệu USD từ Iceland, 56 triệu USD từ Nga, 43 triệu USD từ Na Uy và 174 triệu USD từ Hà Lan.
Tài liệu này cũng cho thấy Tây Phi vẫn là điểm nóng về đánh bắt bất hợp pháp với thiệt hại ước tính 2,9 tỷ USD.
Ngoài ra, tài liệu này còn tiết lộ hơn 450 tàu Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp tại Nigeria và bờ biển Tây Phi, thêm vào đó, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Nhóm đặc trách Tây Phi cho thấy hơn 37% số cá được đánh bắt tại Tây Phi bị đánh bắt trái phép bở các tàu của Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp và Thái Lan.
Nigeria có đường bờ biển dài 853 km, giáp với Đại Tây Dương ở vịnh Guinea.
Giới hạn vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nigeria lần lượt là 12 hải lý và 200 hải lý.
Tổng diện tích của thềm lục địa tại khu vực EEZ là khoảng 37.900 km².
THISDAY kết luận rằng Nigeria cần các thiết bị như AIS và VMS, cả hai thiết bị đều sử dụng theo dõi bằng vệ tinh để truyền các vị trí của tàu.
Tài liệu này cho biết AIS được thiết kế như một công cụ để tránh va chạm và được yêu cầu phải lắp đặt đối với các tàu có kích thước nhất định theo luật pháp quốc tế và một số tàu nhỏ hơn theo quy định quốc gia. VMS là một hệ thống quản lý nghề cá được quy định ở cấp quốc gia và khu vực. Theo thông lệ, dữ liệu VMA là độc quyền nhưng các Chính phủ đang ngày càng tăng cường chia sẻ những dữ liệu này để minh bạch hơn về nghề cá của mình.
Một quan chức của Bộ Thủy sản nước này đang kêu gọi chính phủ thành lập Bộ Thủy sản và Tài nguyên biển để có thể khai thác hiệu quả tài nguồn lợi biển phong phú của Nigeria.
Theo ông, bất kỳ tàu nào được cấp giấy phép hoặc giấy bảo đảm để đưa tàu vào vùng biển của Nigeria phải đến Cơ quan Quản lý Hàng hải và An toàn Hàng hải của Nigeria (NIMASA) để đăng ký. Điều này đã được đưa vào trong Đạo luật Nghề cá biển. Nigeria cũng đang cộng tác về vấn đề số định danh tàu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), đây là số định danh duy nhất được cấp cho các tàu suốt đời cho đến khi tàu bị loại bỏ. Chính nhờ con số này mà Nigeria phát hiện ra các tàu đang sử dụng để đánh bắt bất hợp pháp.
Ngoài ra, ông cho biết nghề cá trên thế giới đang bị khai thác bất hợp pháp, làm suy yếu sự bền vững của nguồn lợi sinh vật biển và đe dọa an ninh lương thực cũng như sự ổn định về kinh tế, xã hội và chính trị của các quốc gia ven biển.